Dòng chảy vốn 16/03/2015 14:39

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Yêu cầu công khai tiền công đức, công quả

FICA – Để tránh tình trạng trục lợi từ lễ hội, Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã đề nghị các địa phương nhập cuộc mạnh mẽ để yêu cầu các ban quản lý, các thủ đền, thủ nhang cần phải kiểm tra, công bố công khai cho người tham gia lễ hội biết.

Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”, ngày 15/3, một người dân đã đặt ra vấn đề, hiện nước ta có gần 8.000 lễ hội một năm, tức là tính trung bình có đến 21 lễ hội/ngày. Như vậy mỗi ngày có đến hàng chục ngàn người nghỉ công việc đi chơi lễ hội. Lễ hội được tổ chức quá nhiều vừa lãng phí tiền của, ngày giờ lao động để tham gia lễ hội. Lễ hội được tổ chức tràn lan, thiếu kiểm soát.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh thừa nhận, công tác tổ chức quản lý lễ hội trong thời gian vừa qua còn xuất hiện bất cập, quy mô và tần suất lễ hội vẫn còn hơi cao, hơi dày và hướng sắp tới cần giảm quy mô, tần suất lễ hội.

Một số lễ hội diễn ra tình trạng thương mại hóa, dùng lễ hội để làm thương mại. Cấp ủy, một số chính quyền địa phương còn buông lỏng, ít kiểm tra, giám sát và kịp thời phát hiện những vi phạm trong lễ hội để xử lý.

Cũng theo khẳng định của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Bộ VH-TT&DL, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp không “đánh trống bỏ dùi” việc tổ chức, quản lý lễ hội, vì đã có văn bản gửi trực tiếp đến Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh để thực hiện nghiêm túc các chỉ thị.

Trong mùa lễ hội năm nay, Bộ đã đi nhiều nơi, trực tiếp kiểm tra và thấy rằng công tác tổ chức lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nghiêm túc quán triệt các chỉ thị, đề ra chương trình, kế hoạch cụ thể tổ chức lễ hội, tăng cường giám sát và khắc phục những nhược điểm tồn tại.

Theo Bộ trưởng, lễ hội là một phần trong đời sống của người dân và các lễ hội đều chịu sự chi phối của các quy định của pháp luật. Nhà nước không bao giờ buông lỏng quản lý lễ hội đảm bảo lễ hội thực sự văn minh, tiết kiệm, an toàn.

Trong thực tế, Nhà nước đã cấm việc sản xuất, vận chuyển, kinh doanh pháo nổ, vốn ảnh hưởng đến đời sống chúng của mọi người. Những gì phản cảm, không có tác dụng giáo dục, không đề cao giá trị nhân văn, thì nên loại bỏ. Những hiện tượng xảy vừa rồi người dân có nêu thì không nên tái diễn và có thể xem xét trong các lễ hội ấy, phần nào không còn phù hợp thì loại bỏ hoặc có giải pháp xử lý.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có 2 công điện nói rất rõ về việc phải giảm tần suất tổ chức lễ hội, hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa trong tổ chức lễ hội. Bộ VH-TT&DL đã ban hành tiêu chí quy định các hoạt động lễ hội phải diễn ra có trật tự, có quy hoạch công bố niêm yết giá. Bên cạnh đó, Bộ sẽ thường xuyên kiểm tra xử lý các vi phạm.

Liên quan đến hiện tượng trục lợi từ các lễ hội, theo phản ánh của người dân, hiện tượng này diễn ra khá phổ biến như bắt chẹt du khách, bao thầu lễ hội. Nhiều lễ hội thu được hàng chục tỷ đồng từ tiền công đức, nhưng hầu như nguồn thu chi này không kiểm soát được, mỗi nơi áp dụng một cách quản lý khác nhau. Nơi thì do ban quản lý di tích, nơi do Sở VH-TT&DL, nơi do thủ nhang, thủ đền quản lý. Đây chính là nguyên nhân đẻ ra những biến tướng nhằm thu tiền của khách hành hương. Thực trạng này diễn ra đã nhiều năm, gây không ít bức xúc trong dư luận.

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, thực tế, ở nhiều nơi, tiền đóng góp công đức của người dân được quản lý chặt chẽ, công khai. Số tiền này được phục vụ trở lại cho việc trùng tu tôn tạo di tích. Tất nhiên, ở đâu đó vẫn còn vấn đề này, vấn đề kia thì cần phải chấn chỉnh kịp thời. Bộ VH-TT&DL đề nghị các địa phương nhập cuộc mạnh mẽ để yêu cầu các ban quản lý, các thủ đền, thủ nhang cần phải kiểm tra, công bố công khai cho người tham gia lễ hội biết.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *