Đời Sống 19/08/2014 06:10

Tròn 20 năm chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới chính thức lên kệ

FICA - Ngày 17/8 của 20 năm về trước, chiếc smartphone đầu tiên chính thức được lên kệ, đánh dấu sự ra đời của một phân khúc thiết bị di động cầm tay mới.

Thế giới công nghệ đang có những bước tiến thần tốc, trong đó các thiết bị di động thông minh, đặc biệt là điện thoại di động, đang có những sự thay đổi thần kỳ.
 
Nhiều người cho rằng chính sự xuất hiện của iPhone phiên bản đầu tiên vào năm 2007 chính là sự mở màn cho cuộc đua trên thị trường smartphone, khi mà sau khi iPhone xuất hiện, “cuộc đua” trên thị trường smartphone nên sôi động hơn bao giờ hết và mục tiêu mà các hãng sản xuất smartphone đặt ra chính là “lật đổ iPhone” của Apple.
 
Trên thực tế, iPhone xuất hiện chỉ góp phần làm cho thị trường smartphone trở nên sôi động và phát triển nhanh hơn. Còn chiếc smartphone đầu tiên thì đã được ra đời từ cách đây hơn 20 năm.
 
Xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 26/11/1992 tại Hội chợ COMDEX diễn ra ở Las Vegas (Mỹ), hãng máy tính IBM đã cho ra mắt nguyên mẫu của chiếc điện thoại di động với tên gọi IBM Simon (còn biết đến với tên mã Angler). Đây chính là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới. 
 
IBM Simon với màn hình cảm ứng và viết stylus
IBM Simon với màn hình cảm ứng và viết stylus
 
Tuy nhiên, phải 2 năm sau đó, ngày 17/8/1994, IBM Simon mới chính thức được bán ra thị trường với mức giá không hề rẻ, 900 USD kèm theo 2 năm hợp đồng với nhà mạng BellSouth Cellular hoặc 1.099USD không kèm theo hợp đồng với nhà mạng.
 
Mặc dù là điện thoại di động nhưng khối lượng và kích thước của IBM Simon tương đương với những chiếc máy tính bảng ngày nay, với khối lượng lên đến 600g. Tuy nhiên, đó vẫn được xem là một khối lượng đủ nhẹ để người dùng có thể mang sản phẩm theo bên mình vào thời điểm cách đây hơn 20 năm.
 
Sản phẩm được trang bị bộ vi xử lý tốc độ 16MHz, 1MB bộ nhớ RAM cùng 1MB ổ cứng lưu trữ. Cấu hình này được trang bị cho một thiết bị “nhỏ gọn” như Simon vào thời điểm bấy giờ đã được xem là “khủng” và đã rất thành công.
 
Giống như những loại smartphone ngày nay, Simon cũng được trang bị một màn hình cảm ứng rộng 4,5-inch, nhưng theo dạng chữ nhật kéo dài và chỉ hỗ trợ màn hình đơn sắc. Sản phẩm hỗ trợ viết stylus. 
 
Về tính năng, Simon cũng có thể nhận hay thực hiện các cuộc gọi, gửi hay nhận email và thậm chí là gửi hay nhận fax, một điều mà smartphone ngày nay chắc chắn không thể làm được. Bên cạnh đó, Simon cũng được trang bị các ứng dụng như sổ địa chỉ, lịch, máy tính, đồng hồ thế giới, nhận diện chữ viết tay lên màn hình cảm ứng…
 
Simon được hoạt động trên hệ điều hành là một biến thể của hệ điều hành DOS, có tên gọi ROM-DOS. Điều này cho phép người dùng cũng có thể download và cài đặt thêm ứng dụng được phát triển từ bên thứ 3, giống với smartphone ngày nay.
 
Giao diện trên IBM Simon
Giao diện trên IBM Simon
 
Được trang bị những tính năng tiên tiến vào thời bấy giờ, tuy nhiên Simon không phải là một sản phẩm thành công về mặt thương mại của IBM. Những nhược điểm của sản phẩm như kích thước lớn và nặng, thời lượng pin yếu kèm theo cách thức tiếp thị nửa vời của IBM và một loạt các vấn đề khác… khiến Simon đã sớm bị khai tử vào tháng 2/1995, chỉ 6 tháng sau khi có mặt trên thị trường. 
 
Ước tính khoảng 50.000 máy đã được bán ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi này.
 
Bất chấp sự thất bại về mặt kinh doanh, không thể phủ nhận rằng Simon chính là tiền thân của smartphone ngày nay. Mặc dù khái niệm “smartphone” vào thời điểm Simon ra mắt vẫn chưa xuất hiện, tuy nhiên giới công nghệ vẫn thừa nhận rằng Simon chính là “cụ tổ” và là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới.
 
Trên hết, sự ra mắt của Simon như là một minh chứng tuyệt vời cho thấy công nghệ đã có sự phát triển thần tốc như thế nào chỉ trong 2 thập niên qua. Chỉ từ một thiết bị có thể xem là “thô sơ”, giờ đây người dùng đã có thể tay những chiếc smartphone chạy iOS, Android hay Windows Phone... mà dường như vẫn chưa đủ để khiến mọi người cảm thấy hài lòng.
 
Sự phát triển nhanh chóng của smartphone vừa giúp cho người dùng có thể tận hưởng những công nghệ mới nhất trên những sản phẩm vừa ra mắt, nhưng bên cạnh đó cũng khiến cho các sản phẩm trở nên lỗi thời một cách nhanh chóng hơn. Nhiều mẫu sản phẩm đã nhanh chóng trở thành “hàng cũ” khi phiên bản mới ra mắt sau đó không lâu.
 
Video trải nghiệm thực tế IBM Simon:
 
 
 
Phạm Thế Quang Huy
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *