Đời Sống 09/06/2014 20:06

Nuôi ‘siêu sâu’ có thể gây thảm họa tương tự ốc bưu vàng

Sâu Superworm hay còn gọi là sâu gạo, là loài côn trùng ăn tạp và phàm ăn, chưa có tên trong danh sách vật nuôi nông nghiệp nên có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp.

Mô hình nhân nuôi sâu của ông Tâm.

Mô hình nhân nuôi sâu của ông Tâm.

 

Sâu Superworm hay còn gọi là sâu gạo, là loài côn trùng ăn tạp và phàm ăn, chưa có tên trong danh sách vật nuôi nông nghiệp nên có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.

Thế nhưng, nhiều nơi đang nhân nuôi sâu gạo vì mục đích kinh tế.

Sinh sản cấp số nhân

Người nuôi sâu gạo đầu tiên ở An Giang là ông Bùi Phước Tâm (ngụ ấp An Ninh, xã Lương Phi, Tri Tôn).

Ông Tâm kể, khoảng đầu năm 2012, đọc trên mạng internet, thấy mô hình nuôi sâu gạo dễ làm, có đầu ra và lợi nhuận khá nên tìm xuống tỉnh Bạc Liêu mua 1.000 con giống bố mẹ (bọ bố mẹ, giá 1.000 đồng/con) về nhân nuôi.

Đến nay, đàn giống bọ bố mẹ được 7 khay (mỗi khay khoảng 400-500 con). Ông mua dụng cụ đựng trứng gà, vịt đem cắt phần đáy và lật ngược làm tổ cho bọ ở và sinh sản. Bọ ăn rau, dưa, bắp cải, thức ăn gà công nghiệp…

Mỗi tuần, một khay bọ bố mẹ đẻ được một khay trứng. Sau đó, sang bố mẹ qua khay khác để trứng nở thành sâu con, nuôi tiếp 2 tháng xuất bán, mỗi khay được 0,5kg, giá 100.000 đồng/kg cho những người nuôi chim, cá kiểng và gà ta.

Theo ông Tâm, hiện 7 khay bọ bố mẹ sản sinh mỗi tháng được 28 khay, nở ra sâu con và nuôi đến xuất bán khoảng 15kg, thu được 1,5 triệu đồng, lời một triệu đồng.

Ông Tâm cho biết: Sâu con từ lúc nở đến trưởng thành 60 ngày, nếu để giống thì nuôi tiếp 45 ngày, sau đó cách ly từng con, bỏ vào keo nhựa ủ khoảng 15 ngày thì sâu lột xác thành kén, 15 ngày sau sẽ lột xác lần 2 thành bọ. Bọ bố mẹ trưởng thành sau 30 ngày và đẻ trứng kéo dài trên 100 ngày, tự chết.

Như vậy, chu kỳ của sâu gạo từ lúc nở sâu con đến trưởng thành, hóa kiếp thành bọ và sinh sản đến chết khoảng 8 tháng. Trong đó, thời gian sinh sản 3 tháng rưỡi với cấp số nhân.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Thành, Trưởng phòng Trồng trọt và Kiểm dịch thực vật - Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang cho biết: Ngoài ông Bùi Phước Tâm ở Tri Tôn, còn có ông Nguyễn Hữu Thanh (ngụ ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, An Phú) nuôi sâu gạo bán cho người nuôi chim và cá kiểng.

Phạt người nuôi từ 3-6 triệu đồng

Đó là ý kiến chỉ đạo của Cục trưởng Cục BVTV (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Xuân Hồng.

Ông Hồng dẫn Điều 7, Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ban hành năm 2001: “Nghiêm cấm mọi hành vi gây hại tài nguyên thực vật, sức khỏe Nhân dân, môi trường và hệ sinh thái”.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hồng, tại điểm b, khoản 3, Điều 14, Nghị định số 114/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 3.10.2013, chiếu theo quy định này, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật thì hành vi nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích dịch hại nguy hiểm đối với tài nguyên thực vật, mà không được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép bằng văn bản sẽ bị phạt tiền từ 3-6 triệu đồng, đồng thời bắt buộc tiêu hủy.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, đối với việc nhân nuôi sâu gạo của ông Bùi Phước Tâm, sau khi phát hiện, Chi cục BVTV đã báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục BVTV để xin ý kiến chỉ đạo.

Bước đầu, Chi cục chỉ đạo bộ phận chuyên môn và Trạm BVTV các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, thống kê hộ nhân nuôi sâu gạo trên địa bàn, tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại cũng như hành vi vi phạm các quy định của pháp luật Nhà nước về việc cấm nhân nuôi sâu gạo.
 
Sâu gạo trưởng thành
 

Giai đoạn 1985-1987, mô hình nuôi ốc bươu vàng đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long xuất phát từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang (khu vực kênh 9, gần Quốc lộ 80), đến nay, cả vùng đồng bằng khắc phục hậu quả ốc bươu vàng gây ra vẫn chưa xong.

Hai năm trước, mô hình nuôi chuột ở huyện Tịnh Biên nhờ phát hiện kịp thời và tiêu hủy, nếu không sẽ là thảm họa lớn cho sản xuất nông nghiệp.

Theo Hòa Bình

Một thế giới / AGO

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *