Doanh nghiệp 24/09/2019 10:02

VNDirect: Dịch tả lợn mang cơ hội cho những “ông lớn”

Doanh nghiệp quy mô lớn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, chưa ghi nhận dịch bệnh như Dabaco (DBC VN), Masan Meatlife (chưa niêm yết, MML, công ty con của Masan Group), CP Vietnam (chưa niêm yết) sẽ được hưởng lợi từ việc giá lợn tăng trở lại.

Tại Báo cáo sự kiện “Diễn biến giá lợn: Liệu đã chạm đáy?” vừa được Công ty chứng khoán VNDirect công bố, nhóm phân tích đánh giá, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chịu tác động nhiều nhất từ sự bùng phát của dịch bệnh do thiếu các biện pháp phòng ngừa và thực hành an toàn sinh học.

Ảnh minh hoạ

Theo đó, doanh nghiệp quy mô lớn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, chưa ghi nhận dịch bệnh như Dabaco (DBC VN), Masan Meatlife (chưa niêm yết, MML, công ty con của Masan Group), CP Vietnam (chưa niêm yết) sẽ được hưởng lợi từ việc giá lợn tăng trở lại.

Các công ty có mảng chăn nuôi gia cầm như DBC, CP Việt Nam cũng có khả năng đẩy mạnh việc tiêu thụ gia cầm như một sản phẩm thay thế cho thịt lợn.

Trong số 3 doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết trên sàn, VNDIRECT cho rằng Dabaco sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của giá lợn, do:

- DBC chịu ảnh hưởng từ biến động giá lợn nhiều nhất trong số các DN niêm yết khi 30% doanh thu 2018 của công ty đến từ phân khúc lợn giống và lợn thịt. Chưa kể đến phần doanh thu từ thức ăn chăn nuôi (TACN) cho lợn, với sản lượng TACN cho lợn chiếm trên 50% tổng sản lượng TACN cả năm. Tỷ trọng doanh thu của mảng chăn nuôi trong doanh thu thuần các công ty khác như Vilico (VLC VN) và Hòa Phát (HPG VN) chỉ ở mức thấp, tương ứng 2,0% và 8,2%. Với Masan Meatlife (MML), công ty mới chỉ tham gia thị trường chăn nuôi và chế biến thịt kể từ năm 2018, do đó mảng này vẫn chưa đóng góp nhiều vào KQKD của DN.

- Phần lớn trang trại của DBC nằm ở các tỉnh phía Bắc (Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Tuyên Quang), là khu vực dịch tả lợn bùng phát sớm hơn và hiện tại số lượng các ổ dịch mới đã giảm. Giá lợn ở miền Bắc đã hồi phục nhanh hơn ở miền Nam về mức tương đương với đầu năm.

VNDirect dự báo giá lợn ở miền Bắc vẫn sẽ duy trì ở mức cao cho đến năm 2020 do (1) thiếu hụt nguồn cung đã đề cập ở trên, (2) việc hạn chế vận chuyển giữa các tỉnh để ngăn chặn sự mở rộng của dịch bệnh sẽ ổn định giá bán tại từng vùng/địa phương và (3) xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc có thể làm nguồn cung miền Bắc giảm cục bộ.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, chủ tịch công ty Dabaco kỳ vọng rằng giá lợn sẽ tăng trong bốn tháng cuối năm 2019 và kéo dài trong 2020, giúp công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019 là 356 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ, 6T19 mới chỉ đạt 27,6 tỷ đồng). 

Mảng thức ăn chăn nuôi sẽ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi

Trong khi phân khúc chăn nuôi và chế biến thịt có thể nhận thấy tác động ngay lập tức từ đà tăng của giá lợn, mảng thức ăn chăn nuôi sẽ cần thêm thời gian để bắt kịp. Theo Masan Meatlife (MML), giá lợn cần ổn định trong vòng 6-9 tháng mới có tác động đến mảng TACN, do người dân còn cân nhắc việc tái đàn do lo ngại bệnh dịch tái phát trở lại.

VNDirect cho rằng, MML sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ sự hồi phục của mảng TACN so với DBC, do thị phần TACN cho lợn của MML cao hơn so với DBC (11% so với 5%) và TACN cho lợn đóng góp trên 50% tổng doanh thu từ TACN.

Chi Mai

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *