Doanh nghiệp 14/02/2014 14:00

Tổng Công ty đường sắt sẽ thoái vốn tại 13 công ty

FICA - Tổng công ty ĐSVN cũng đã xây dựng kế hoạch thoái hết vốn tại 7 công ty cổ phần, giảm tỷ sở hữu xuống 35% tại 3 công ty, nắm giữ 49% vốn của 2 công ty và nắm giữ 65% vốn điều lệ tại 1 công ty khác. Ngay trong quý 2 năm nay, Tổng công ty sẽ tiến hành bán thoái vốn tại 13 công ty này.



Chiều 13/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) về tình hình thực hiện tái cơ cấu của Tổng công ty.

Theo báo cáo của ĐSVN, năm 2013, Tổng công ty đã hoàn thành việc xây dựng “Đề án đào tạo chiến lược, phát triển nguồn nhân lực cho Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2013 - 2020”; xây dựng kế hoạch và định biên lao động, thực hiện việc giảm lao động hàng năm ít nhất từ 5% trở lên; hoàn thành phương án kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc Hội đồng thành viên và Ban Tổng giám đốc Tổng công ty và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Tái cơ cấu và các tổ chức giúp việc Ban Chỉ đạo.

Tổng công ty ĐSVN cũng đã xây dựng kế hoạch thoái hết vốn tại 7 công ty cổ phần, giảm tỷ sở hữu xuống 35% tại 3 công ty, nắm giữ 49% vốn của 2 công ty và nắm giữ 65% vốn điều lệ tại 1 công ty khác. Ngay trong quý 2 năm nay, Tổng công ty sẽ tiến hành bán thoái vốn tại 13 công ty này.

Đối với việc sắp xếp lại khối vận tải, Tổng công ty đã có báo cáo gửi Bộ GTVT và Chính phủ cho phép điều chỉnh một phần “Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015” với mục tiêu thu gọn đầu mối từ 3 công ty vận tải đường sắt hiện nay (Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Hà Nội, Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Vận tải Hàng hóa Đường sắt) thành 2 công ty theo địa giới hành chính Bắc, Nam. Theo đó, giữ nguyên Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Hà Nội, Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Sài Gòn và giải thể Công ty TNHH MTV Vận tải Hàng hóa Đường sắt về trực thuộc 2 công ty trên.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết định hướng phát triển ngành Đường sắt Việt Nam dựa trên Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Chiến lược này, mục tiêu chủ yếu giai đoạn đến năm 2020 sẽ đáp ứng tối thiểu 1% - 2% nhu cầu về hành khách và 1% - 3% nhu cầu về hàng hóa; giai đoạn 2020 - 2030 đáp ứng tối thiểu 3% - 4% nhu cầu về hành khách và 4% - 5% nhu cầu về hàng hóa, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước xây dựng mới đường sắt đôi, khổ 1435mm trên trục Bắc - Nam với tốc độ khai thác từ 160km/h - dưới 200km/h. Chiến lược này đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng .

Thứ trưởng Đông cũng cho nhấn mạnh, trên cơ sở nghiên cứu mô hình từ ngành hàng không với 3 tổng công ty (Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Quản lý bay) để tách Tổng công ty thành 3 khối hạ tầng đường sắt, vận tải đường sắt và điều độ đường sắt.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Tổng công ty ĐSVN ngoài việc đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu thì cũng phải gắn chặt với chiến lược phát triển của ngành Đường sắt Việt Nam. “Tổng công ty cần xác định rõ thời gian tới đường sắt sẽ phát triển theo định hướng nào, chỉ vận tải hành khách hay có cả vận tải hàng hóa. Trong quá trình vừa tái cơ cấu, vừa phát triển, Tổng công ty ĐSVN cũng cần xây dựng mô hình tổ chức và quản lý hiệu quả, làm rõ được về hạ tầng đường sắt như đường, nhà ga... đâu là nơi mà Nhà nước bắt buộc phải đầu tư, đâu là nơi có thể cổ phần hóa, mời gọi xã hội cùng tham gia đầu tư để giảm bớt các khoản chi của ngân sách mà vẫn giúp ngành Đường sắt phát triển", Phó Thủ tướng nói.

Thục Anh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *