Tiêu Dùng 09/09/2021 08:00

Giữa vòng xoáy vay tiêu dùng: “Thượng đế” cần tỉnh táo khi đặt bút ký

Nhu cầu vay tiêu dùng để chi tiêu trong mùa dịch Covid-19 được dự báo sẽ tăng cao, cho nên, trước khi đặt bút ký vào bất cứ hợp đồng nào, “thượng đế” cần tỉnh táo trước các điều khoản.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) vừa đưa ra nhận định, đại dịch Covid-19 với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế chung của đất nước, kéo theo đó là những tác động tiêu cực đến tình hình lao động việc làm.

Đứng trước những khó khăn kéo dài chưa có điểm dừng đối với tình hình kinh tế nói chung và tình trạng việc làm nói riêng do đại dịch Covid-19 gây ra, hình thức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có dấu hiệu sẽ trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong và sau đại dịch.

Dịch Covid-19 tác động nặng đến kinh tế nói chung sẽ khiến nhu cầu vay tiêu dùng gia tăng.

Cục dự báo, sẽ có một bộ phận không nhỏ người dân cần đến loại hình tài chính tiêu dùng này để có thể giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại. So với việc đi vay nặng lãi tại những nguồn cung không đảm bảo, uy tín thì vay tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng sẽ là sự lựa chọn khả quan, an toàn hơn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi ký kết hợp đồng, người tiêu dùng cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng trước khi quyết định giao kết, trong đó cần lưu ý và cân nhắc kỹ một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Cụ thể, người tiêu dùng xem kỹ về thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức; Lãi suất cho vay,  thời điểm xác định lãi suất,  phương pháp tính lãi; Các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính; Các loại phí khác mà người tiêu dùng phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định); Theo quy định tại hợp đồng, người tiêu dùng có được gia hạn nợ hay không? Gia hạn như thế nào? Cách tính lãi và các khoản phí liên quan trong trường hợp này; Quyền và nghĩa vụ của các bên có cân bằng hay không? Có điều khoản nào gây bất lợi cho khách hàng hay không?;  Chế tài xử lý vi phạm hợp đồng...

Đồng thời, để đảm bảo quyền  để đảm bảo quyền lợi và an toàn cho chính mình và người thân, người tiêu dùng cần: Chủ động tìm hiểu thật kỹ, có những hiểu biết nhất định về hình thức giao dịch mà mình sẽ tham gia trước khi quyết định ký kết hợp đồng; Cân nhắc kỹ, không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân; Có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, nghiêm túc sử dụng số tiền đúng mục đích, trả đúng hạn theo quy định tại hợp đồng giữa các bên, nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hoặc mất khả năng thanh toán nợ.

An Chi

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *