Doanh nghiệp 09/10/2014 09:26

Thu về 1.600 tỷ đồng từ thoái vốn, Vinacomin vẫn “trầy trật” rút khỏi Uông Bí

FICA - Mặc dù Vinacomin đã chào bán ra thị trường 3 lần và giảm giá tới 30% nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào quan tâm đặt cọc.

Trao đổi với PV Dân trí tại buổi họp báo quý III diễn ra chiều 8/10, ông Nguyễn Văn Biên – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, tập đoàn này đã cơ bản hoàn tất việc thoái vốn ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán.

Cụ thể, tập đoàn đã thực hiện thoái xong 100% vốn tại Công ty Tài chính TKV, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), bảo hiểm, Công ty Chứng khoán SHS và thu về khoảng 1.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng đã hoàn thành việc giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của Vinacomin từ mức 77,18% xuống còn 34% đối với CTCP Than Miền Nam. Giá trị vốn nhà nước thu hồi cao hơn sổ sách 16,5 tỷ đồng. Tập đoàn cũng hoàn thành phương án chuyển nhượng giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của Vinacomin tại CTCP than Miền Trung đang triển khai để thực hiện IPO, phê duyệt phương án tái cơ cấu của CTCP Du lịch và TM, CTCP Cơ khí Hòn Gai, CTCP Đại lý hàng hải, CTCP Thiết bị điện và CTCP Vận tải thủy.

Còn phần đầu tư vào Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư BIDV-Việt Nam Partners (mã: BVIM) trị giá 48 tỷ, vừa qua, Vinacomin đã thu về được 10%, từ nay đến năm 2015 sẽ thu hết. Theo ông Biên, do quỹ này đang hoạt động hiệu quả nên nhiều khả năng, trong năm tới sẽ trả hết cho các chủ đầu tư.

Khoản đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng bất động sản hiện đang được Vinacomin triển khai các bước để tiến hành thoái vốn xong trong năm 2015 (còn trên 200 tỷ đồng). Trong đó, có góp vốn liên kết đầu tư tại Công ty cổ phần kinh tế Hải Hà 47,8 tỷ đồng – đây cũng phần vốn khó "rút" nhất của Vinacomin. Trước đây, cùng với Vinashin và một số tập đoàn khác, Vinacomin cũng đã đổ vốn vào Hải Hà, tuy nhiên, đến nay vẫn bế tắc. Vinacomin đã báo cáo với Chính phủ và dự kiến vẫn hoàn thành được trong năm 2015.

Đối với khoản thoái vốn tại Công ty thương mại và sản xuất than Uông Bí, Cơ khí Uông Bí và Thương mại Hạ Long, mặc dù Tập đoàn đã chào bán ra thị trường 3 lần và giảm giá tới 30% nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào quan tâm đặt cọc. Vinacomin đã báo cáo Bộ Công thương và chờ chỉ đạo.

Về cổ phần hóa, Vinacomin đã triển khai các bước để cổ phần hóa 8 doanh nghiệp (có 1 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng, Tập đoàn đã xin Thủ tướng cho phép lùi tiến độ cổ phần hóa sau năm 2015 và thay vào đó bổ sung cổ phần hóa Công ty XLMT Nhân Cơ). Theo Vinacomin, có 3 doanh nghiệp trong số này đã hoàn thành việc cổ phần hóa chuyển sang công ty cổ phần, còn 5 doanh nghiệp đã xác định xong định giá, riêng 3 tổng công ty Điện lực, Khoáng sản và Việt Bắc đã báo cáo Bộ Công thương xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến tiến độ cổ phần hóa Tổng công điện và Tổng công ty khoáng sản thuộc Tập đoàn, ông Biên cho biết 2 đơn đã hoàn thành đánh giá giá trị doanh nghiệp và đã báo cáo Bộ Công thương. Do đây là doanh nghiệp có vốn 500 tỷ động nên Bộ Công thương sẽ phải thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hiện hai Tổng Công ty này đã họp đại hội cán bộ công nhân viên bất thường để phổ biến chủ trương cổ phần hóa và hy vọng sẽ hoàn thành trong quý IV/2014 để đầu năm 2015 chuyển thành công ty cổ phần.

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *