Doanh nghiệp 18/03/2014 09:42

SCB có Chủ tịch và Phó Chủ tịch mới

FICA - Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Sương và Phó Chủ tịch Trầm Thích Tồn bất ngờ từ nhiệm trong đại hội thường niên 2014 của SCB. Tân Chủ tịch SCB ông Đinh Văn Thành cũng từng là lãnh đạo tại ngân hàng Đệ Nhất.


Tân Chủ tịch SCB ông Đinh Văn Thành


Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ngày 17/3, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Nguyễn Thị Thu Sương và Phó Chủ tịch Trầm Thích Tồn bất ngờ từ nhiệm. SCB đã tiến hành bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2012 - 2017 là ông Tạ Chiêu Trung và Tổng Giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn.

Về cơ cấu HĐQT mới, cổ đông SCB đã bầu ông Đinh Văn Thành giữ chức Chủ tịch, ông Võ Thành Hùng là Phó Chủ tịch. Ông Lee George Lam, người đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch, sẽ đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch thứ nhất.

Tân Chủ tịch SCB sinh năm 1971, là cử nhân Tài chính - Tín dụng, trường đại học Ngân hàng TPHCM. Ông Thành từng là Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch ngân hàng Đệ Nhất. Người tiền nhiệm của ông Thành, bà Nguyễn Thị Thu Sương từng giữ chức Chủ tịch ngân hàng Đệ Nhất.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn sinh năm 1973, là cử nhân Đại học Tài chính Kế toàn TPHCM, ACCC và CPA Việt Nam. Trước khi về SCB vào tháng 7/2013, ông Văn là Phó Tổng giám đốc phụ trách kiểm toán và tư vấn lĩnh vực Tài chính Ngân hàng tại Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.

Ông Tạ Chiêu Trung sinh năm 1979, là Thạc sĩ kinh tế ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng và cử nhân kinh tế ngành Kế toán - Kiểm toán Đại học Kinh tế TPHCM; cử nhân Luật ngành Luật thương mại của Đại học Luật TPHCM. Ông Trung hiện là Tổng Giám đốc của công ty đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú.

Năm 2014, SCB mục tiêu tăng trưởng tín dụng 76%

Cuối năm 2011, ngân hàng SCB mới được thành lập dựa trên hợp nhất 3 ngân hàng là SCB cũ, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa. Năm 2013, năm thứ 2 trong lộ trình 03 năm tái cơ cấu toàn diện, SCB đã đạt được những kết quả khá khả quan về tình hình kinh doanh.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 7,23% xuống 1,63% nhờ bán nợ cho VAMC; Tổng tài sản tăng thêm 32% lên hơn 181 nghìn tỷ đồng; Huy động từ khách hàng tăng 61% lên 147nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 1.711 tỷ đồng lên 12.295 tỷ đồng.

Đồng thời, SCB đã trả nốt gần 11.922 tỷ đồng khoản vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước, bình thường hóa quan hệ với các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng và tất toán trạng thái vàng.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế năm 2013 chỉ đạt khiêm tốn 60 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2012 và bằng 16% kế hoạch năm. Tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 đạt 1%.

Năm 2014, SCB sẽ hoàn tất tái cơ cấu theo đề án hợp nhất lộ trình 3 năm. Kết thúc đại hội, cổ đông ngân hàng đã thông qua tất cả các tờ trình như tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng lên 14.295 tỷ đồng; Thành lập hoặc mua mới 1 công ty bảo hiểm với tỷ lệ góp vốn tối thiểu là 51%; Lợi nhuận tăng gấp đôi lên 121 tỷ đồng; Huy động khách hàng tăng 28% lên gần 188 nghìn tỷ đồng và tăng trưởng tín dụng tăng tới 76% lên 157 nghìn tỷ đồng.

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *