Doanh nghiệp 18/06/2014 19:19

Rút giấy phép vĩnh viễn đối với DN phân bón vi phạm nghiêm trọng

Bên cạnh phân bón giả, trên thị trường hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều loại phân bón thật nhưng chất lượng rất thấp, gây tổn thất không nhỏ cho người nông dân.

Ảnh: Nguyễn Thanh
 

Đất pha bột gạch thành... phân bón

Theo Thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương): Trong qúy I-2014, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 88 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 1,26 tỷ đồng, tịch thu 88.642 kg, 153 lọ, chai trị giá hơn 183 triệu đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, phân bón quá hạn sử dụng, không thuộc danh mục được phép kinh doanh, phân bón nhập lậu.

Phát biểu tại Hội thảo quốc gia “Thực hiện Nghị định số 202 của Chính phủ về quản lý phân bón và chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững” diễn ra sáng nay 18-6, tại Hà Nội, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá: Thời gian qua, tình hình phân bón kém chất lượng, phân bón giả chưa được giải quyết tốt.

Trong các loại hàng hóa làm giả, phân bón là loại dễ làm giả nhất vì công nghệ chỉ thô sơ bằng cuốc xẻng, máy trộn bê tông. Có nơi, cơ sở sản xuất lấy đất pha bột gạch, bột đá trộn làm phân bón. Một số đại lý phân bón ở ĐBSCL và Tây Nguyên chủ động trang bị máy trộn bê tông, cuốc xẻng để làm phân bón tự chế. Đây là một hành vi kinh doanh phân bón trá hình, lừa người nông dân, gây ra những hệ lụy khá nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Khang, Tổng giám đốc Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đánh giá: Tình trạng phân bón thật nhưng chất lượng quá thấp được bày bán và tiêu thụ tràn lan trên thị trường còn nguy hại gấp nhiều lần phân bón giả.

Các DN được cấp phép sản xuất, làm hàng thật nhưng chất lượng thấp, chủ yếu tập trung vào mẫu mã, bao bì đẹp, bắt mắt. Thông tin số liệu ghi trên mặt trước vỏ bao dễ đánh lừa người mua, trong khi hàm lượng thành phần thực tế trong phân lại được ghi khá nhỏ ở phía sau vỏ bao khiến người mua không chú ý. Với mức giá bán ra thấp hơn một chút so với các loại phân chất lượng cao đồng loại, dòng phân này được nhiều hộ nông dân chọn lựa sử dụng.

Kết quả chưa đạt 

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Mặc dù thời gian qua các lực lượng chức năng đã có những cố gắng nhất định trong quản lý phân bón nhưng những kết quả thu được chưa đạt cần phải quyết liệt và hiệu quả hơn nữa.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay công tác quản lý phân bón còn lỏng lẻo, nhiều đầu mối, hiệu quả thấp, đôi khi chồng chéo giữa các bộ, ngành. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ lẽ ra không đáp ứng đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp phép để sản xuất phân bón. Một số DN lợi dụng những sơ hở trong quản lý để sản xuất phân bón giả, kém chất lượng trục lợi lớn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức cho người nông dân trong sử dụng phân bón còn kém.

“Cơ quan chức năng không chỉ phải quản lý hoạt động sản xuất mà còn cả hệ thống kinh doanh. Để xảy ra tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả tràn lan, gây thiệt hại cho người nông dân thì đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm. Bất cập hiện nay là nhiều cơ sở sản xuất phân bón vi phạm nhưng lại bị xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Do đó, đối với những DN vi phạm nghiêm trọng thì cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn, rút giấy phép hoạt động trong khoảng thời gian nhất định, thậm chí là rút giấy phép vĩnh viễn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá: Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27-11-2013 của Chính phủ về quản lý phân bón đã có bước tiến mới, khắc phục phần nào những yếu kém còn tồn tại. Đặc biệt là Nghị định đã đưa ra những quy định rõ ràng điều kiện để DN, cơ sở được sản xuất, kinh doanh XK, NK phân bón, chuyển quản lý phân bón từ không điều kiện sang dạng có điều kiện.

Theo ông Cao Hoài Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón thế giới: Nghị định đã đưa ra những điều kiện khá chặt chẽ để kiểm soát tốt hơn tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhưng điều quan trọng là phải làm tốt công tác hậu kiểm. Đây là khâu mà cơ quan chức năng cần mạnh tay để lập lại trật tự trong quản lý phân bón theo đúng tinh thần, mục đích đề ra.

Ông Dương kiến nghị, ngoài làm tốt công tác hậu kiểm, hiện một bộ phận lớn bà con nông dân vẫn chưa được trang bị kiến thức tối thiểu về phân bón để phân biệt thật, giả. Do vậy, nên có những chế tài mang tính bắt buộc đối với cơ quan sản xuất, kinh doanh phân bón để DN không chỉ đưa ra sản phẩm, quảng cáo mà phải tổ chức đào tạo, tập huấn thường xuyên cho nông dân. Chính phủ có thể giao cho một cơ quan quản lý làm đầu mối và phối hợp, yêu cầu DN thực hiện công tác này.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTTN phải nhanh chóng hoàn thiện Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 202, đồng thời xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón, kiện toàn hệ thống thanh kiểm tra của hai Bộ này từ bộ tới địa phương, cơ sở.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ kế hoạch sản xuất phân bón, tránh tình trạng cấp phép đầu tư tràn lan, cung vượt cầu. Để đảm bảo nền nông nghiệp phát triển bền vững, các nhà khoa học nông nghiệp cần tăng cường nghiên cứu nhằm đưa ra các loại phân bón hữu cơ có chất lượng, góp phần chuyển dịch cơ cấu sử dụng phân bón dần từ phân vô cơ sang phân hữu cơ.

 
Theo Thanh Nguyễn
Báo Hải quan
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *