Doanh nghiệp 21/04/2021 09:48

Loại bỏ những thách thức trong xuất khẩu trực tuyến

Thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp (DN) trụ vững trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, các giao dịch thương mại quốc tế qua sàn thương mại điện tử mới chỉ được thực hiện ở các DN lớn. Với DN nhỏ và vừa, việc giao dịch hàng hóa qua kênh trực tuyến vẫn chưa được tận dụng tối ưu.

Xu thế của thương mại điện tử

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến sản lượng xuất khẩu của nhiều ngành chủ lực tăng chậm, thậm chí là dừng chân tại chỗ. Sự xuất hiện của kênh xuất khẩu trực tuyến – thương mại điện tử -  được coi là “cứu cánh” giúp các doanh nghiệp (DN) tiếp cận tới mọi thị trường, trở thành con đường nhanh nhất để đưa hàng Việt ra thế giới. 

Thế nhưng, hầu hết các hoạt động này mới chỉ tập trung tại thị trường nội địa hoặc xúc tiến quảng bá thương hiệu. Trong khi, theo ông  Nguyễn Tuấn Vinh – người sáng lập Sàn giao dịch xuất nhập khẩu toàn cầu1908v.com - đây là cách thức tìm kiếm hàng hóa, thực hiện giao dịch kinh doanh hiệu quả với khả năng lợi nhuận cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, kể từ khi dịch covid bùng phát trên toàn thế giới, thói quen tiêu dùng đang dần thay đổi theo hình thức mua sắm và thanh toán online. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng khả năng giao dịch và mua bán toàn cầu. Theo đó, xuất nhập khẩu trực tuyến được xem là “đích đến” của nhiều DN. Bởi đây không chỉ là xu thế mà đã trở thành thực tế phát triển của nhiều nền kinh tế. Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Vinh, trước đây hoạt động xuất nhật khẩu dường như chỉ dành cho các DN có quy mô lớn, tiềm lực kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay những DN nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ cũng có thể “bình đẳng” vươn tới thương mại toàn cầu nếu  họ thực sự chủ động. Thực tế đã chỉ ra rằng, sàn giao dịch xuất nhập khẩu toàn cầu đang dần thực hiện hóa nền thương mại không biên giới trên tất cả các khía cạnh, góc độ, không gian, thời gian… Do vậy, sự tương tác trực tiếp giữa người sản xuất, nhà xuất khẩu và người tiêu dùng đang trở thành xu thế chung. Đây sẽ là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với DN khi xuất khẩu trực tuyến.

“Cứu cánh” cho DN nhỏ và vừa

Ra mắt vào cuối tháng 9/2019, Sàn thương mại giao dịch toàn cầu 1908v.com được xem là nơi kết nối nhà sản xuất, nhà xuất khẩu với người tiêu dùng trong nước cũng như trên toàn cầu. Trong khi số lượng DN vừa và nhỏ được áp dụng thương mại điện tử trong xuất khẩu còn hạn chế. Điều này đã hạn chế hoạt động nhập khẩu hoặc xuất khẩu nguyên liệu sản xuất của nhiều DN.  Bên cạnh đó, việc thâm nhập của các thị trường mới của nhiều DN nhỏ và vừa hiện nay cũng đều phải qua bên trung gian. Nhưng hiện nay, các sàn giao dịch xuất khẩu lớn tại Việt Nam chủ yếu do nước ngoài chiếm lĩnh. Điều này đã và đang tạo ra nhiều hạn chế trước rào cản thuế quan, sự phát triển mạnh mẽ của các DN, khó khăn về địa lý, văn hóa, ngôn ngữ… Thậm chí, DN và người tiêu dùng còn phải chịu phí vận chuyển qua lại tăng cao, trong khi các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu chưa phát huy tối đa hiệu quả.

Để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trong nước giải tỏa các khó khăn nói trên, đồng thời giúp các DN siêu nhỏ có cơ hội tiếp cận thông tin thị trường nhanh chóng, tin cậy, Sàn giao dịch thương mại toàn cầu 1908v.com ra đời giống như một “cứu cánh” cho  hoạt động xuất nhập khẩu của các DN nhỏ và vừa. Theo ông Vinh, thông qua sàn thương mại điện tử sẽ giúp nhiều nhà nhập khẩu vốn bị phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trước đây có cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc tham gia trực tiếp qua sàn sẽ giúp lược bỏ chi phí trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa.

“Đối với nhà nhập khẩu, tham gia sàn giao dịch sẽ giúp công ty chủ động đưa đơn hàng ra thị trường, tiếp cận được với nhiều nhà cung cấp, mang lại nhiều sự lựa chọn về nguồn cung, chất lượng, mẫu mã cũng như giá thành” ông Nguyễn Tuấn Vinh cho hay. Thông qua sàn giao dịch điện tử cũng sẽ góp phần quảng bá, đưa hình ảnh hàng hóa Việt Nam ra thế giới.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, sàn thương mại 1908v.com đã thực hiện thành công hàng ngàn yêu cầu mua hàng của các nhà xuất khẩu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, có những yêu cầu mua hàng đạt giá trị triệu đô đến từ các mặt hàng sản xuất công nghiệp, điện tử, gia dụng, nông lâm thủy hải sản… Giai đoạn tiếp theo, sàn giao dịch sẽ có kế hoạch mở rộng văn phòng liên kết tại Trung Quốc – Trung Đông - Ấn Độ - EU - Đông Âu - Bắc Mỹ - Nam Phi. “Điều này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, đáp ứng nhu cầu mua bán nguyên vật liệu sản xuất và xuất khẩu hàng hóa ra thế giới” ông Nguyễn Tuấn Vinh chia sẻ. Đây được nhận định là những bước đi cần thiết, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu tham gia xuất khẩu trực tuyến, mở rộng quy mô và phát triển thương hiệu.

Thế Hưng

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *