Doanh nghiệp 15/11/2013 10:28

Eximbank mua cổ phiếu quỹ để đỡ giá, không sa thải 1.000 nhân viên

Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Hùng Dũng lên tiếng trước những thông tin trái chiều về việc mua cổ phiếu quỹ và sa thải 1.000 nhân viên.

Chủ tịch Eximbabank tại họp báo tối qua. Ảnh: Ánh Hồng, Tuổi trẻ


Trong buổi gặp mặt báo chí vào tối qua (14/11), ông Lê Hùng Dũng cho biết, việc HĐQT ngân hàng này ra quyết định mua lại cổ phiếu là do nhận thấy giá cổ phiếu của ngân hàng (EIB) đang giao dịch thấp hơn mức tính toán, và quyết định mua lại chỉ nhằm cải thiện giá cổ phiếu trên thị trường. Việc mua vào ngoài mục đích đỡ giá, không có mục đích nào khác như chống thâu tóm hay có lục đục như thông tin đồn thổi ngoài thị trường.

“Trước đây, giá EIB thường trên 15 (15.000 đồng/cổ phiếu - PV), nay chỉ khoảng 13. Nếu sang năm giá quay trở lại 15 hay 15.5 thì cổ đông sẽ có lợi”, ông Dũng nói và nhấn mạnh: “Tôi nói A thì sự thật chỉ có thể là A, nên đừng suy diễn gì thêm”.

Khẳng định của ông Dũng đã giải toả những nghi ngờ cũng như những đồn đoán liên quan đến việc chống thâu tóm hay nội bộ lục đục.

Có giả thiết rằng nhà đầu tư lớn bán ra cổ phiếu EIB để tất toán những khoản vay mua EIB trước đây. Tuy nhiên, động thái này, nếu có, chỉ có thể đã diễn ra từ nhiều tháng trước hoặc năm ngoái và điều đó thì chẳng còn liên quan gì đến việc Eximbank mua lại cổ phiếu sắp tới.

Trong vòng 1 tháng trở lại đây, tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh của EIB trên sàn chỉ khoảng 10 triệu cổ phiếu, trong khi giao dịch thoả thuận hầu như không có. Còn sắp tới, ông Dũng khẳng định, không có cổ đông lớn nào bán ra. Eximbank mua lại cổ phiếu cũng không phải là mua gom để bán lại cho một đối tác cụ thể nào.

Trả lời câu hỏi, nếu EIB tăng giá thì Eximbank có mua không và mua đến mức giá nào thì dừng lại? Ông Dũng nói: “Việc này chúng tôi đã giao cho các bộ phận chuyên môn tính toán cụ thể khi nào mua, khi nào bán để làm sao có hiệu quả. Giá lên quá sẽ không mua”.

Để mua lại 5% cổ phần theo Nghị quyết của HĐQT, với mức giá hiện nay, Eximbank sẽ phải bỏ ra hơn 800 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2013, lợi nhuận giữ lại của Eximbank là hơn 684,6 tỷ đồng. Nếu giá lên thì số tiền bỏ ra sẽ nhiều hơn và lúc đó kế hoạch chi trả cổ tức sẽ bị ảnh hưởng (6,12% bằng cổ phiếu và 5,88% bằng tiền mặt).

Ông Dũng cho biết, việc mua lại cổ phiếu cũng là một hình thức chuyển hoá lợi ích của cổ đông từ tiền mặt sang cổ phiếu. Thực tế, việc mua lại cổ phiếu đã hàm ý doanh nghiệp đang hoàn trả lại tiền cho nhà đầu tư.

Còn trả lời thông tin Eximbank sa thải 1.000 nhân viên ở bộ phận gián tiếp, ông Dũng khẳng định, ban đầu Ngân hàng lên kế hoạch giảm 1.000 nhân viên ở bộ phận gián tiếp nhằm tăng quỹ lương cho bộ phận bán hàng trực tiếp. Tuy nhiên, đến nay Eximbank chỉ mới chấm dứt hợp đồng với 48 người và điều chuyển hơn 300 nhân viên từ các phòng ban của Hội sở xuống các chi nhánh để tăng cường đội ngũ bán hàng, nhằm đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, tạo doanh thu.

Theo ông Dũng, những nhân viên này thay vì ngồi ở những bộ phận không trực tiếp tạo ra lợi nhuận thì nay được tăng thêm lực lượng cho chi nhánh, nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

“Đó cũng là cách làm mà Eximbank cho là phù hợp trong bối cảnh thị trường hiện nay. Chúng tôi đã cố gắng để không sa thải nhân sự mà bằng cách điều chuyển công việc, nhằm tạo lợi nhuận và đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, trong bối cảnh khó khăn, Ngân hàng buộc phải tiết giảm chi phí, đồng thời tăng quỹ lương cho đội ngũ bán hàng trực tiếp, do đó, việc cắt giảm nhân sự ở bộ phận gián tiếp là điều khó tránh. Không những thế, Eximbank cũng phải thay đổi quy chế lương. Nếu nhân viên bán hàng vượt chỉ tiêu sẽ được nhận mức lương cao hơn gấp đôi, gấp ba, thậm chí cao hơn cả trưởng phòng. Đó là việc làm cần thiết trong bối cảnh thị trường khó khăn, hoạt động ngân hàng cạnh tranh khốc liệt.

Eximbank cũng đã giảm lương theo cơ chế trước hết từ cấp cán bộ lãnh đạo. Trong đó, bản thân Chủ tịch HĐQT đã làm gương giảm đến 50% lương, kế đến là Tổng giám đốc giảm 30% lương và xuống các cấp lãnh đạo bên dưới cũng giảm từ 12 - 20%, nhưng đối với nhân viên, Eximbank hạn chế tối đa việc cắt giảm thu nhập. Sở dĩ, Eximbank phải mạnh tay cắt giảm chi phí, theo ông Dũng, là do lợi nhuận sụt giảm mạnh.

“Eximbank chỉ có thể đạt được 1.500 - 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay, xấp xỉ 50% chỉ tiêu ngân hàng đã xây dựng từ đầu năm”, Chủ tịch HĐQT Eximbank nói.

Theo Đức Luận - Thùy Vinh

ĐTCK

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *