Doanh nghiệp 03/05/2014 08:23

BIDV: Kỳ vọng tìm được đối tác ngoại trong năm nay

FICA - Ngân hàng dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ cho một nhà đầu tư tài chính nước ngoài trong Quý 4/2014 hoặc Quý 1/2015. Giá phát hành sẽ được thương lượng. Khi hoàn tất, nhà đầu tư tài chính sẽ nắm giữ 9,5% cổ phần BIDV. Thương vụ này trị giá 3.189 tỷ đồng, giả định giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu.

 

Mục tiêu tăng trưởng LNTT 13% khá tham vọng

Tại báo cáo phát hành cho nhà đầu tư mới đây, chuyên viên Ngô Bích Vân của Chứng khoán Bản Việt cho biết, năm 2013, mặc dù lãi biên giảm và việc xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) cao ở mức 21% nhờ tín dụng tăng 15% và quản lý chi phí hiệu quả.

Tuy nhiên, trong năm 2014, BIDV chỉ đặt mức mục tiêu tăng trưởng LNTT 13%. Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bản Việt, mục tiêu này vẫn khá tham vọng, do tỷ lệ lãi biên dự báo tiếp tục giảm, một phần do tỷ trọng cho vay doanh nghiệp nhà nước khá lớn (chiếm 39%/tổng dư nợ năm 2013 và 27% trong năm 2012) với lãi suất tương đối thấp hơn các đối tượng khách hàng khác.

Bên cạnh đó, dự phòng tăng do quy định chặt chẽ hơn (Thông tư 02 và 09) cũng ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận. Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn đang ở mức cao, hạn chế mức tăng tín dụng. Cuối năm 2013, tỷ lệ tín dụng hàng/huy động nguồn từ khách hàng là 115%, trong khi tỷ lệ này tính cả các nguồn khác là 92%.

Cổ phiếu BID hiện đang giao dịch ở mức PB 2014 (giá/giá trị sổ sách) là 1,3 lần, cao hơn 5% so với PB trung bình của ngành ngân hàng là 1,2 lần.

Tất nhiên, BIDV có cái lý riêng của mình. Trong khi các ngân hàng lớn khác khá thận trọng về mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2014, BIDV đặt ra mục tiêu LNTT tăng 13%, nhờ cho vay tăng 13%-16%. BIDV dự kiến lợi nhuận từ hoạt động trước dự phòng đạt 15.000 tỷ đồng (tăng 27%) trong và trích 9.000 tỷ đồng dự phòng (tăng 39%).

Bản Việt cho rằng mục tiêu này khá cao mặc dù kết quả kinh doanh Quý I của ngân hàng tốt. Cụ thể, trong Quý 1/2014, BIDV đạt 1.800 tỷ đồng LNTT (tăng 19% so với QI/2013), với lợi nhuận từ hoạt động trước dự phòng đạt 2.500 tỷ đồng (tăng 8%) và chi phí dự phòng là 700 tỷ đồng (giảm 13%/năm).

Cũng trong Qúy I, huy động của BIDV tăng 3,2% và tăng trưởng tín dụng tăng 2,7% so với đầu năm. Tuy nhiên, Bản Việt cũng lưu ý rằng, thông thường trong Quý 4 các ngân hàng mới đẩy mạnh tăng chi phí dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu. Do đó, Bản Việt dự báo LNTT của BIDV năm nay ở mức thận trọng hơn, tăng 5% lên 5.524 tỷ đồng trong năm 2014, nhờ tín dụng tăng 14% và tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) giảm 0,1% xuống 2,8%.

Nhà đầu tư tài chính sẽ nắm 9,5% cổ phần BIDV

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa rồi, BIDV đã được cổ đông chấp thuận phương án tăng vốn 19% lên 33.570 tỷ đồng nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR năm 2013 là 10,2%) và bổ sung vốn kinh doanh.

Kế hoạch tăng vốn bao gồm: (1) phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100:6,4, dự kiến thực hiện trong Quý 3 hoặc Quý 4 năm nay; (2) phát hành quyền chọn tỷ lệ 100:1,57 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thực hiện vào Quý 3 hay Quý 4 năm nay; (3) Phát hành riêng lẻ cho một nhà đầu tư tài chính nước ngoài, dự kiến thực hiện trong Quý 4/2014 hoặc Quý 1/2015. Giá phát hành sẽ được thương lượng. Khi hoàn tất, nhà đầu tư tài chính sẽ nắm giữ 9,5% cổ phần BIDV. Thương vụ này trị giá 3.189 tỷ đồng, giả định giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự VietinBank, BIDV dự định trước tiên sẽ bán cổ phần cho một nhà đầu tư tài chính (VietinBank đã bán 8,02% cổ phần cho International Finance Corporation – IFC), trước khi bán lại tối đa 20% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Trái lại, Vietcombank chỉ bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài Mizuho. BIDV dự kiến sẽ mất ít nhất 12 tháng trước khi hoàn tất việc bán cho đối tác chiến lược nước ngoài, do đó khó có thể thực hiện trước năm 2015.

Bản Việt cũng lưu ý là VietinBank đã bán 168 triệu cổ phiếu cho IFC với giá 168 triệu USD vào năm 2011 (tương đương giá khoảng 22.000 đồng/cổ phiếu và PB là 1,56 lần) và 644 triệu cổ phiếu cho BTMU với giá 742 triệu USD vào năm 2013 (tương đương giá 24.000 đồng/cổ phiếu và PB là 1,65 lần).

Do tài sản của BIDV nhỏ hơn so với VietinBank, Bản Việt giả định năm 2014 BIDV có thể bán cổ phiếu cho nhà đầu tư tài chính nước ngoài với PB 2014 là 1,5 lần (tương đương 18.600 đồng/cổ phiếu) và cho đối tác chiến lược nước ngoài với PB 1,6 lần (tương đương 21.800 đồng/cổ phiếu). Khi đó, EPS 2014 sẽ bị pha loãng 33%, với PER 2014 pha loãng là 15,6 lần so với trung bình của ngành ngân hàng là 12,3 lần.

Tuy nhiên, giá trị sổ sách/cổ phiếu sẽ tăng 18%, làm PB 2014 pha loãng giảm xuống 1,1 lần (thấp hơn 12% so với mức trung bình ngành ngân hàng là 1,2 lần).

Mai Chi

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *