Chứng Khoán 06/06/2014 20:52

Nhà nước đang nắm phần vốn lớn tại toàn "ông to"

FICA - Tổng giá trị vốn hóa của phần vốn nhà nước tại 12 công ty trong nhóm 20 công ty lớn nhất niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) là 18,5 tỷ USD, chiếm 41%.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp thường niên (VBF) 2014 giữa kỳ sáng 5/6, ông Kiên Nguyễn - Đại diện nhóm công tác thị trường vốn đã đưa ra kiến nghị về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước ở các ngành không nhạy cảm đối với an ninh quốc gia.

Ông Kiên Nguyễn cho biết, theo thống của nhóm công tác kê vào ngày 23/5/2014, tổng giá trị vốn hóa của phần vốn nhà nước tại 12 công ty trong nhóm 20 công ty lớn nhất niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) là 18,5 tỷ USD, chiếm 41% giá trị của cả HSX.  Riêng phần sở hữu trên 50% của nhóm 12 công ty này có giá trị 6,3 tỷ USD.

Theo ông Kiên Nguyễn, hiện ngân sách nhà nước có hạn trong khi nhu cầu chi tiêu, đầu tư công vẫn còn lớn. Nguồn thu từ thuế có giảm do kinh tế khó khăn và các lộ trình giảm thuế nhập khẩu khi tham gia WTO. 
Gần đây nhất (quý 4 năm 2013), Chính phủ đã đề xuất tăng bội chi ngân sách từ 4.8% lên 5.3% GDP.

Do đó, việc bán một phần cổ phần của các doanh nghiệp này sẽ dễ dàng bù đắp được thâm hụt ngân sách của nhà nước trong giai đoạn khó khăn này, thay vì giảm lương tối thiểu hay tận thu những nguồn khác.

Trong khi đó, doanh nghiệp sau khi bán vẫn chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, vẫn đóng thuế, vẫn sử 
dụng nguồn nhân lực Việt Nam. 

 Ông Kiên Nguyễn cũng đề cập tới tình trạng nhiều công ty hiện do nhà nước nắm giữ tỉ lệ lớn không hoạt động hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực được xác định là “nhạy cảm” hoặc “hạn chế”, ví dụ như ngành hàng tiêu dùng, sản xuất phân bón. 
 
Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi hơn về chính sách và vốn vay so với các doanh nghiệp khối tư nhân.

Điều này dẫn đến sân chơi không bình đẳng giữa 2 khối doanh nghiệp, hạn chế khả năng phát triển của khối tư nhân trong khi khối nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả và không có sản phẩm/ dịch vụ tốt. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa/dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam nói chung khi gia nhập thị trường khu vực cũng như quốc tế. 
 

Thay mặt nhóm công tác, ông Kiên Nguyễn kiến nghị Chính phủ tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, giảm tỉ lệ sở hữu Nhà nước bằng việc bán cổ phần Nhà nước trong các công ty không thuộc diện ”nhạy cảm” và “hạn chế”. 

Trước mắt có thể giảm bớt sở hữu Nhà nước tại các công ty niêm yết khoảng 35%. Thời gian sau có thể giảm xuống thêm. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các công ty 100% vốn Nhà nước; Rà soát để giảm bớt danh sách ngành nhạy cảm.

Phương Dung

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *