Bất động sản 06/01/2015 15:50

Parkson đóng cửa sẽ không phải là "xu hướng"?

FICA - Theo chuyên gia từ đơn vị tư vấn dịch vụ bất động sản CBRE Việt Nam, trong bối cảnh thị trường có sự cạnh tranh lớn, một trung tâm mua sắm không hoạt động tốt sẽ không tránh khỏi việc phải đóng cửa hoặc cải tạo lại.

Cuối tuần qua, thông tin trung tâm thương mại Parkson Keangnam đột ngột thông báo đóng cửa, yêu cầu các chủ cửa hàng phải chuyển hết đồ ra ngoài ngay trong đêm 3/1/2015 khiến cho các chủ hàng lẫn khách hàng không khỏi bất ngờ.

Trong thông báo phát đi, Tổng giám đốc Parkson Hà Nội Tiang Chee Sung cho hay, kể từ khi mở cửa kinh doanh vào năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt doanh thu theo như kế hoạch đề ra và bản thân các quầy hàng tại trung tâm thương mại cũng đang phải chịu đựng những khoản lỗ lớn cho đến nay.

Trước đó, một loạt các trung tâm thương mại khác như Tràng Tiền Plaza, Grand Plaza hay Zen Plaza phải đóng cửa tái cấu trúc khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu đây có phải là những tín hiệu báo hiệu khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ không?

Trả lời câu hỏi trên, ông Richard Leech - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nói: "Tôi cho rằng đây không phải xu hướng thị trường. Đối với các trung tâm thương mại như Parkson, về phía Tập đoàn họ sẽ có các quyết định phù hợp trong việc lựa chọn khu vực nào hoạt động tốt hay đóng cửa tại khu vực không mang lại doanh thu".

Richard Leech cũng cho rằng, ở đâu cũng có những trường hợp như vậy nhất là trong bối cảnh thị trường có sự cạnh tranh lớn. Trên thực tế, với thị trường Hà Nội nói riêng, có những dự án vẫn hoạt động khá tốt với lượng mua bán ổn định nhưng trong đó vẫn có những quầy hàng phải đóng cửa. "Đây là hoạt động kinh doanh bình thường, không phải xu hướng", Leech nói.

Còn theo bà Nguyễn Hoài An - Quản lý cấp cao của CBRE Việt Nam, các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định được trông đợi sẽ làm tăng trưởng doanh thu bán lẻ và củng cố niềm tin người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số trung tâm mua sắm không hoạt động tốt sẽ không tránh khỏi việc phải đóng cửa hoặc cải tạo lại.

Một điểm nhấn khác, theo lộ trình cam kết với WTO, bắt đầu từ năm 2015, Việt Nam cho phép doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam sẽ khiến sân chơi bình đẳng hơn nhưng cạnh tranh gay gắt hơn. Trong khi đó, sức mua của người dân vẫn còn tương đối yếu.

Thống kê của CBRE cho thấy, hiện tổng diện tích cho thuê bán lẻ trên toàn thị trường Hà Nội vào khoảng 625.000m2 với 18 trung tâm thương mại, 3 trung tâm thương mại tổng hợp và 8 sảnh bán lẻ. Riêng trong năm 2014, có 5 dự án đã gia nhập thị trường cung cấp thêm hơn 55.000m2 diện tích thuê.

Dù có nhiều tin tức và tên tuổi mới vào thị trường nhưng giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của các mặt bằng bán lẻ vẫn tiếp tục giảm. So với cùng kỳ năm trước, giá chào thuê trung bình giảm 15,5% tại khu vực trung tâm và 10,4% tại khu vực ngoài trung tâm.

Cạnh tranh của thị trường cũng ngày càng gay gắt khi các nhà bán lẻ trong nước và ngoài nước đều đang tích cực chạy đua trong việc mở rộng kinh doanh. Siêu thị Lotte Mart từ Hàn Quốc thông báo kế hoạch của họ với 60 siêu thị tại Việt Nam cho đến năm 2020, trong khi AEON từ Nhật Bản lên kế hoạch mở 20 đại siêu thị trên toàn quốc. Thêm vào đó, Vingroup, một nhà bán lẻ nội địa vừa mới mua lại Ocean Mart, đã lên lịch trình xây dựng thêm 9 trung tâm thương mại trên toàn Việt Nam.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *