Chính sách 24/06/2014 08:20

Thị trường bất động sản: Cơ chế "xin cho" dễ gây tham nhũng

FICA - Cơ chế xin - cho trong việc giao dự án BĐS dễ dẫn đến tham nhũng, giao dịch ngầm dẫn đến hiện tượng làm giá, đầu cơ, lũng đoạn thị trường diễn ra tại nhiều dự án.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bất động sản. Trong đó, đã chỉ ra những mặt hạn chế của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua. 
 
Cụ thể, thị trường bất động sản mới hình thành nên phát triển còn thiếu ổn định, khi thì phát triển quá "nóng", lúc thì "đóng băng" không có giao dịch. Tình trạng phát triển bất động sản tự phát, theo phong trào còn phổ biến. Nhiều dự án chậm hoàn thành hoặc không đủ điều kiện hạ tầng để đưa vào sử dụng bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Tồn kho bất động sản lớn, phát sinh nợ xấu ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
 
Thị trường bất động sản có nhiều biến động
Thị trường bất động sản có nhiều biến động
 
Cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở không phù hợp với nhu cầu thị trường, dẫn đến lệch pha cung - cầu. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
 
Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở không ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của người dân, với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.
 
Thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Cơ chế xin - cho trong việc giao dự án bất động sản dễ dẫn đến tham nhũng, giao dịch ngầm dẫn đến hiện tượng làm giá, đầu cơ, lũng đoạn thị trường còn diễn ra tại nhiều dự án.
 
Thị trường bất động sản phát triển chưa có sự kiểm soát có hiệu quả từ phía các cơ quan nhà nước, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.
 
Trước thực tế đó, Bộ Xây dựng đã triển khai xây dựng đề án phát triển thị trường bất động sản, trong đó đưa ra các giải pháp quản lý, phát triển cụ thể nhằm tái cơ cấu lại thị trường, hướng thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn.
 
Cụ thể, Bộ kiến nghị cần tập trung vào việc tiếp tục rà soát những quy định còn chồng chéo, những quy định không còn phù hợp với thực tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý thị trường bất động sản.
 
Bên cạnh đó là hoàn thiện cơ chế chuyển nhượng từng phần và toàn bộ dự án bất động sản theo hướng tạo điều kiện để các chủ đầu tư dễ dàng chuyển nhượng toàn bộ hoặc từng phần dự án để các dự án phát triển bất động sản được triển khai đúng tiến độ và kế hoạch. Xây dựng cơ chế bảo đảm quyền lợi của người mua bất động sản hình thành trong tương lai....
 
Các ngành chức năng cần tổ chức rà soát các dự án kinh doanh bất động sản đang triển khai, các dự án đã giao nhưng chậm triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp kế hoạch phát triển từng loại bất động sản của từng địa phương trong phạm vi cả nước...
 
Đối với các giải pháp về tài chính, cần sớm bổ sung hành lang pháp lý và tổ chức triển khai việc hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng như: quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tín thác bất động sản (REIT), quỹ tiết kiệm nhà ở... Nghiên cứu bổ sung cơ chế cho phép đưa bất động sản đáp ứng danh mục quỹ đầu tư bất động sản để hình thành quỹ đầu tư bất động sản.
 
Nghiên cứu xây dựng thị trường thế chấp thứ cấp (tái thế chấp) bất động sản, có sự hỗ trợ và kiểm soát của Nhà nước để tăng tính thanh khoản cho các ngân hàng. Thành lập cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở làm công cụ để Chính phủ điều tiết và thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính nhà ở tại Việt Nam.
 
Nhà nước cũng cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, quy định về lệ phí trước bạ liên quan tới bất động sản theo hướng chỉ quy định một phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản bằng giá chuyển nhượng bất động sản nhân với thuế suất; nghiên cứu giảm mức lệ phí trước bạ để khuyến khích các giao dịch chính thức, hạn chế thấp nhất các giao dịch “ngầm” trên thị trường. ..
 
Nhà nước cũng cần có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cao cấp như khách sạn hạng cao cấp, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, căn hộ cao cấp và hạ tầng các khu công nghiệp cần vốn đầu tư lớn cũng như các khu đô thị lớn mang tính đặc thù.
 
Hạn chế giao các dự án nhỏ lẻ mà khả năng đầu tư trong nước có thể thực hiện. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc cam kết đưa vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam và tiến độ thực hiện dự án;
 
Đặc biệt, Bộ đề nghị Chính phủ có cơ chế kiểm soát tỷ lệ đầu tư vào bất động sản của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, đầu tư nội bộ của các ngân hàng vào bất động sản.
 
Lê Tú
Chuyên mục: Chính sách

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *