Bất động sản 13/06/2014 15:56

Bộ Xây dựng chỉ thẳng lỗi của nhà thầu Trung Quốc

Chất lượng các công trình xây dựng Việt Nam sẽ tốt hơn và chúng ta không bị mất việc làm, lợi nhuận không bị chảy ra nước ngoài.

Đó là khẳng định của ông Bùi Trung Dung - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ xây dựng) - trên báo Tuổi trẻ TP.HCM khi phản hồi về thông tin Chính phủ Trung Quốc cấm các doanh nghiệp quốc doanh nước này tham gia dự thầu tại Việt Nam trong bối cảnh tình hình trên biển Đông căng thẳng hiện nay.

 

Theo ông Dung, Cục này đã tổng kết, đánh giá các công trình xây dựng từ nguồn vốn nhà nước có gói thầu giao cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện, qua đó rút ra tính chất "sáu không".

Đó là không có việc huy động nguồn lực lao động chuyên gia có trình độ cao; huy động lao động có tay nghề cao cũng không đạt mục tiêu; huy động lao động phổ thông Trung Quốc vượt quá nhiều lần so với yêu cầu; không có việc huy động công nghệ cao, công nghệ mới; các gói thầu đều không đạt tiến độ khi đăng ký xin phép thầu; cam kết huy động thiết bị hiện đại cũng không có, chủ yếu là có sẵn trong nước hoặc trong nước còn tốt hơn.

 

Ông Dung khẳng định việc Chính phủ Trung Quốc chủ động không cho doanh nghiệp nhà nước dự thầu ở Việt Nam (như truyền thông đưa tin) là điều không đáng lo ngại.

 

Nhiều công trình giao thông do nhà thầu TQ đảm nhận

Nhiều công trình giao thông do nhà thầu TQ đảm nhận

 

Ngược lại, chất lượng các công trình xây dựng Việt Nam sẽ tốt hơn và chúng ta không bị mất việc làm, lợi nhuận không bị chảy ra nước ngoài.

Trong khi đó, sau vụ việc đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị đội vốn gần 100%, Bộ GTVT đã điểm thẳng những nhà thầu Trung Quốc không đủ năng lực nhưng vẫn đảm nhận nhiều công trình trọng điểm hiện nay.

Thực tế cho thấy, nhiều dự án mà Trung Quốc làm tổng thầu thường chậm trễ, kéo dài thời gian thi công, yêu cầu chủ đầu tư bù giá, làm đội vốn đầu tư, như: nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ do nhà thầu Chalieco của Trung Quốc là đơn vị tổng thầu thi công, với tổng mức đầu tư vượt lên lần lượt tới hơn 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng; tăng 3.800 tỷ đồng và 4.300 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.

 

Không chỉ tiến độ chậm, tăng giá thành lên cao, mà khi đưa vào bàn giao, các công trình mà Trung Quốc đảm nhiệm có chất lượng đi xuống, khi sử dụng lại có nhiều vấn đề phụ thuộc vào phía Trung Quốc.

 

Điều đáng nói là sau đó, tất cả các dự án này đều chung một kịch bản đáng buồn nói trên rồi vẫn tiếp tục thắng thầu ở những dự án khác.

 

Trước thực tế này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương chia sẻ lo ngại, nhà thầu Trung Quốc thực tế không chỉ đảm nhận công trình giao thông mà còn đảm nhận rất nhiều các công trình xây dựng, văn hóa khác.Ông Cương nói, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là trả lời rõ ràng, “tại sao nhà thầu Trung Quốc không đủ năng lực mà vẫn trúng thầu”? “Liệu có tiêu cực hay không”?

 

TS Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói rõ, không thể có chuyện các nhà thầu thi công giữa dự án lại có chuyện thông cảm, thiếu sót rồi xin đội vốn.

 

Ông Phạm Thế Minh – Nguyên thứ trưởng Bộ GTVT thẳng thắn yêu cầu để công an vào cuộc. Cần điều tra rõ có tiêu cực hay không? Vì sao năng lực kém vẫn trúng thầu?

“Nhà thầu TQ năng lực kém nhưng vẫn trúng thầu rõ ràng năng lực thẩm định thầu đang có vấn đề. Phải xem xét ngay chủ đầu tư dự án, ban quan lý dự án, hội đồng chấm thầu… các cơ quan này phải trả lời tại sao lại như vậy. Không thể để tình trạng trúng thầu bằng mọi cách, không làm ăn được lại xin tăng vốn. Cứ xin là cho, cho một cách vô tội vạ. Nếu vì có chuyện đi đêm để được trúng thầu cũng phải làm cho rõ, xử lý tới nơi tới chốn”, ông Minh nói.

 

Ở góc tiếp cận khác, ông Dương Văn Cận – Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam phân tích:

 

“Nếu, nhà thầu TQ thi công đúng theo giá thấp nhất khi trúng thầu chắc chắn nhà thầu TQ đã bị đánh bật ra ngay. Như vậy, rõ ràng ở đây có lỗi quản lý, chúng ta đã không chấp nhận, hoặc “giả vờ” không chấp nhận những nhà thầu khác mà “tham rẻ nhưng cuối cùng phải chấp nhận một cái giá đắt”.

 

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng: "Nếu có việc Trung Quốc cấm các doanh nghiệp nhà nước tham gia đấu thầu dự án mới tại Việt Nam thì họ bị thiệt trước tiên. Ông Thăng không ngại doanh nghiệp Trung Quốc "tẩy chay" thị trường Việt Nam".

Một chuyên gia lĩnh vực đấu thầu thẳng thắn nói: "Trung Quốc có cấm thầu cũng là điều mừng cho Việt Nam, bởi các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm các đối tác khác có uy tín và kinh nghiệm hơn".

 

Bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 12/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng bày tỏ quan điểm: “Hợp đồng mới phía Trung Quốc nói là không tham gia nữa cũng không sao, chúng ta tìm đối tác khác, nguồn tín dụng khác. Còn các hợp đồng nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện, nguyên tắc hợp đồng phải thực hiện theo đúng Luật”.

 

Theo Thái Linh

Đất Việt

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *