“Lạm phát đã triệt tiêu một phần giá trị nông nghiệp thu được”

Giải trình trước Quốc hội về những tồn tại của ngành nông nghiệp, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển - Nông thôn thừa nhận, xu hướng tăng trưởng chậm lại của ngành nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nếu tính theo giá trị gia tăng bằng giá so sánh năm 2010 thì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp bao gồm cả nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, năm 2011 là 4,02%, 2012 là 2,68%, 2013 là 2,64%. Do dùng giá so sánh cố định của năm 2010, nên chỉ tiêu này không phản ánh sự thay đổi về chất lượng và giá trị của sản phẩm.

Còn lấy theo giá hiện hành, năm 2013 GDP của toàn ngành là 654.000 tỷ đồng, trong khi năm 2010 là 407.000 tỷ đồng, tức là đã tăng lên 163%. “Tuy tăng như vậy nhưng bà con nông dân ở nhiều nơi vẫn cảm thấy khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do quy mô sản xuất của mỗi hộ gia đình quá nhỏ nên tăng thêm cũng không rõ nét và cũng không đồng đều giữa các vùng, đối với các hộ kinh doanh các ngành nghề khác nhau”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phát, chính “lạm phát đã triệt tiêu một phần giá trị thu được. Dù vậy, những con số trên cho thấy một lần nữa xu hướng tăng trưởng chậm lại của ngành nông nghiệp”.

Bộ trưởng Phát cho rằng, nguyên nhân chính là do hơn 2 năm qua, nhu cầu trong nước tăng yếu, nhiều mặt hàng làm ra tiêu thụ rất khó khăn. Xuất khẩu cũng gặp khó khăn, nhất là năm 2013 xuất khẩu chỉ tăng 0,7%. Trong khi đó, tác động của những tồn tại về cơ cấu của ngành thì bộc lộ ngày càng mạnh, do vậy Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn  mới, hướng tới tăng nhanh hơn thu nhập và cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân.

Để thực hiện chủ trương này, trong gần 1 năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển - Nông thôn đã tổ chức quán triệt về chủ trương tái cơ cấu trong bộ và toàn ngành để thống nhất nhận thức và hành động. “Theo tôi cản trở lớn nhất đối với tái cơ cấu hiện nay là cách tiếp cận và cách hiểu, cách nhận thức”, Bộ trưởng Phát đánh giá.

Bên cạnh đó, Bộ đã xây dựng kế hoạch hành động và chỉ đạo xây dựng 12 đề án chuyên ngành để cụ thể hóa chủ trương tới từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến và thủy lợi. Triển khai thực tiễn việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng, ngành nông nghiệp đã chuyển đổi được gần 100 ngàn ha; phục hồi chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển thủy sản chủ lực, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng trồng rừng, cải tiến quản lý thủy nông.

“Tái cơ cấu là một chủ trương lớn, một quá trình phức tạp và đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các ngành và đặc biệt là các địa phương. Tuy nhiên tiến độ nhìn chung còn chậm như một số đại biểu đã nêu, đến nay mới chỉ có 23 tỉnh có đề án và kế hoạch hành động. Do vậy, chúng tôi cũng nhất trí rằng các bộ, ngành cũng như các địa phương phải đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa đối với việc thực hiện chủ trương này”, Bộ trưởng thừa nhận.

Về tình hình nông nghiệp, nông thôn 5 tháng đầu năm 2014, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển - Nông thôn, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển và có xu hướng khả quan hơn. Trong đó, sản lượng lúa gạo tăng 600.000 tấn, được mùa lúa ở cả 3 miền, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng hầu hết các loại cây trồng khác đều tăng, chăn nuôi thì dịch bệnh được kiềm chế và đang có xu hướng phục hồi. Sản lượng thủy sản tăng 3,3%, trong đó đặc biệt sản lượng đánh bắt đã tăng lên 5,1%, mặc dù có những sự cố ở biển Đông.

Về lâm nghiệp, trồng rừng tăng 9% và số vụ vi phạm cũng đã giảm 29%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 12,1 tỷ USD, tăng 10,5% và xây dựng nông thôn mới đang tiếp tục đẩy mạnh trở thành phong trào lan rộng trong cả nước. Tới nay, bình quân mỗi xã đạt 8,47 tiêu chí so với 4,7 tiêu chí vào năm 2011 và đã có 185 xã đạt cả 19 tiêu chí, gần 600 xã đạt 15-18 tiêu thí.

Tuy vậy. “toàn ngành đang đứng trước rất nhiều những khó khăn, thử thách và cũng có nhiều yếu kém, trong đó nổi bật là khó khăn về thị trường. 5 tháng xuất khẩu tăng 10,5%, nhưng riêng tháng 5 xuất khẩu giảm 18%, trong đó có nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng Phát thừa nhận.

Cùng với đó là thiên tai, dịch bệnh tiếp tục đe dọa, trong đó đặc biệt nổi lên hiện tượng Ennino có thể sẽ ảnh hưởng tới nước ta. Trong tháng 4 nhiệt độ mặt biển ở khu vực Thái Bình Dương đã tăng lên khoảng 0,5 độ và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên, điều này có nghĩa là chúng ta sẽ nắng nóng nhiều hơn, mưa bão sẽ bất thường hơn.

Do vậy trong những tháng tới, ngành nông nghiệp dự kiến tập trung trước hết là phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển thị trường tiêu thụ nhất là về xuất khẩu, trong đó đặc biệt chú trọng đa dạng hóa thị trường đối với những mặt hàng nông sản tươi sống.

Đặc biệt, “Bộ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, đặc biệt chú trọng điều chỉnh sản xuất những ngành hàng gặp khó khăn về thị trường theo định hướng về thị trường mới, để giảm phụ thuộc của chúng ta vào thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Nguyễn Hiền

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *