Điều kiện sản xuất Việt Nam cải thiện bất chấp căng thẳng Biển Đông

FICA - Sản lượng của ngành sản xuất Việt Nam đã tăng tháng thứ 8 liên tiếp khi số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh.

Trong báo cáo phát hành chiều này (2/6), Khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC cho biết, những điều kiện kinh doanh chung trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 5 đã tốt lên khi nhu cầu của khách hàng tiếp tục được cải thiện. 

Theo đó, sản lượng của ngành sản xuất Việt Nam đã tăng tháng thứ 8 liên tiếp khi số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh. Các thành viên nhóm khảo sát tiếp tục đưa ra bằng chứng cho thấy các quy định mới về vận tải đã ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất khi mà thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài với một tốc độ kỷ lục và giá cả đầu vào tăng mạnh.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất - của Việt Nam đã giảm từ mức 53,1 điểm trong tháng 4 còn 52,5 điểm trong tháng 5, tuy vậy, vẫn cho thấy có sự cải thiện về điều kiện hoạt động tại các công ty sản xuất.

Số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 5 đã tăng sáu tháng liên tiếp, với tốc độ tăng nhanh chóng, chỉ kém hơn một chút so với mức cao kỷ lục của tháng 4. Các điều kiện kinh tế tốt lên đã giúp làm tăng nhu cầu của khách hàng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng trong tháng 5, nhưng tốc độ tăng chỉ là nhẹ.

Cũng theo ghi nhận của HSBC, nhu cầu khách hàng cao hơn đã làm cho sản xuất tiếp tục tăng trong tháng và đây là tháng tăng thứ 8 liên tiếp. Trả lời khảo sát, một số nhà sản xuất cho biết, hoạt động mua hàng hóa nguyên liệu trong những tháng gần đây đã giúp họ tăng sản lượng. Hoạt động sản xuất tăng và qua đó hỗ trợ các công ty xử lý lượng công việc tồn đọng. Lượng công việc tồn đọng đã giảm nhẹ sau khi tăng trong tháng trước.

Trong tháng 5, những thay đổi mới đây trong quy định về vận tải tiếp tục gây ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài thành mức cao nhất trong lịch sử khảo sát khi các quy định mới về trọng tải làm cho các nhà cung cấp phải thực hiện nhiều chuyến hơn để vận chuyển cùng một khối lượng hàng hóa. Quy định này cũng ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, từ đó làm tăng tốc độ tăng giá chi phí đầu vào tháng thứ hai liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2012.

Mặc dù chi phí đầu vào tăng mạnh, các nhà sản xuất hầu như vẫn không thay đổi giá cả đầu ra trong tháng. Trong khi một số nhà sản xuất cho biết đã chuyển gánh nặng chi phí cao hơn sang cho khách hàng, thì một số khác lại phản hồi, họ phải giảm giá bán của họ để kích thích nhu cầu.

Việc làm trong tháng 5 đã tăng tháng thứ hai, mặc dù tốc độ tạo việc làm đã chậm lại và chỉ còn ở mức tăng nhẹ. Yêu cầu về sản xuất cao hơn đã buộc một số thành viên nhóm khảo sát phải tăng số lượng nhân công.


Yêu cầu về sản lượng tăng cũng làm cho họ phải gia tăng hoạt động mua hàng trong tháng. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng trong suốt chín tháng qua, với tốc độ tăng vẫn còn mạnh mặc dù đã giảm bớt so với tháng 4.

Tồn kho hàng mua trong tháng cũng giảm nhẹ khi hàng hóa đầu vào đã được dùng trong quá trình sản xuất. Hàng tồn kho thành phẩm giảm sau khi tăng trong tháng trước. Tuy nhiên, theo HSBC, tốc độ giảm chỉ ở mức nhỏ.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *