“Không phải bây giờ mới tìm biện pháp giảm nhập siêu với Trung Quốc”

FICA - Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nhấn mạnh như vậy, khi nói về quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Tại diễn đàn Quốc hội hôm nay 2/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có phần trình bày về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế trong hội nhập quốc tế và nhất là trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết; Từ năm 2007, khi chúng ta chính thức trở thành thành viên tổ chức thương mại thế giới đến nay, bức tranh về xuất nhập khẩu thay đổi rất nhiều. Về tỷ lệ tăng trưởng xuất nhập khẩu, nếu năm 2007, Việt Nam xuất 48 tỷ USD  thì đến năm 2013 đã xuất được 133 tỷ USD, tăng gấp khoảng 3 lần trong vòng 6 năm.

Đặc biệt, nhập siêu của chúng ta giảm dần, năm 2007, nhập siêu khoảng 30% trên tổng kim ngạch xuất khẩu, con số tuyệt đối là 14 tỷ USD, nhưng đến năm 2012 đã xuất siêu, năm 2013 tiếp tục xuất siêu và 5 tháng đầu năm 2014 cũng tiếp tục xuất siêu khoảng 1,6 tỷ đô USD.

“Tình hình này chúng tôi nhận định cũng chưa thực sự ổn định và chưa thực sự vững chắc, nhưng dẫu sao về mặt định hướng đây là kết quả khả quan. Chúng ta không phải xuất siêu do giảm nhập khẩu, vẫn tăng trưởng nhập khẩu nhưng chúng ta tăng xuất khẩu được nhiều hơn. Xung quanh việc xuất siêu và tăng xuất khẩu còn nhiều vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đang quan tâm như vấn đề cơ cấu, sự ổn định, tỷ lệ giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Những vấn đề này chúng ta sẽ tiếp tục khắc phục”, Bộ trưởng Hoàng cho biết.

Về quan hệ thương mại, hiện nay Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu với trên 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung vào một số đối tác chính như EU, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước ASEAN và Trung Quốc. Trung Quốc là một đối tác quan trọng, Bộ trưởng Hoàng cho biết, theo con số thống kê thì trong năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tức là hơn 10 tỷ  USD trên 133 tỷ USD xuất khẩu.

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm vào khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu, nhập khẩu năm 2013 khoảng 133 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng hơn 30 tỷ.

“Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, việc ta luôn nhập siêu là một quan tâm của tất cả các cấp, các ngành, của Chính phủ và trung ương. Vì thế ngay từ nhiều năm trước đây, Chính phủ cũng đã chỉ đạo tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Hoảng cho biết, trong thời gian qua giữa Chính phủ, các bộ ngành, các doanh nghiệp của hai bên đã thực hiện rất nhiều biện pháp. Gần đây nhất, năm 2013, Việt Nam đã ký 3 hiệp định với Trung Quốc theo tinh thần Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản của Việt Nam và tiến tới sẽ ký thỏa thuận hợp tác thương mại gạo.

“Chúng ta đã chủ động chứ không phải đến bây giờ mới tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc, đương nhiên do quy mô tương đối lớn cần có thời gian để tiếp tục triển khai tích cực hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Công Thương, hiện Việt Nam có nhiều thuận lợi trong hội nhập quốc tế. Các đối tác lớn quan tâm đến Việt Nam và rất nhiều khối kinh tế, kể cả Liên minh châu Âu, các nước châu Á - Thái Bình Dương đều rất mong muốn đàm phán và thỏa thuận các hiệp định hợp tác kinh tế với Việt Nam. Do đó, chúng ta đang chủ trương thúc đẩy mạnh hơn việc đàm phán này.

“Chúng ta đã ký 8 hiệp định thương mại tự do và đồng thời đang đàm phán để ký kết tiếp 6 hiệp định nữa. Với việc đàm phán và có thể kết thúc ký kết 6 hiệp định này, về cơ bản những đối tác kinh tế quan trọng nhất đều có các hiệp định thương mại tự do và qua đó sẽ góp phần tạo thuận lợi thêm cho hàng hóa Việt Nam có thể xâm nhập được vào các thị trường”, Bộ trưởng Hoàng cho hay.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa qua tổ chức ngày 29/5, Chính phủ cũng đã bàn và giao các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp thúc đẩy mạnh hơn việc tái cơ cấu sắp xếp và thay đổi thị trường.  Nói về chủ trương này, Bộ trưởng Hoàng cho biết: ‘Đây là tinh thần đã quán triệt từ lâu nay và trong thời gian này thì sự kiện xảy ra thúc đẩy chúng ta làm mạnh hơn, tích cực hơn chứ chúng ta đã chủ động rồi”.

Đề cập tới lưu ý của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) là trong quá trình hội nhập bên cạnh những thời cơ, thuận lợi có thách thức, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương, Bộ trưởng Hoàng nêu: Với khu vực nông nghiệp, nông dân thì trong đàm phán khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo làm sao đối tượng là người nông dân và một số mặt hàng nông sản phải được bảo hộ ở mức độ hợp lý. Kết quả chúng ta cũng đã đạt được cam kết riêng đối với 4 mặt hàng trong nông nghiệp có bảo hộ bằng cách duy trì hạng ngạch nhập khẩu, được phép duy trì khoảng 10% tổng số chi phí cho nông nghiệp để trợ cấp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Cũng theo Bộ trưởng Hoàng: “Việt Nam tham gia đàm phán với các đối tác thường ở vị thế về kinh tế quy mô và trình độ kém hơn, cho nên đấu tranh để có được sự linh hoạt và có được sự công nhận của các đối tác, chúng ta phải có một lộ trình phù hợp để nền kinh tế từng bước thích ứng được và phải đạt được lợi ích cốt lõi, lợi ích căn bản trong các hiệp định khu vực. Lợi ích căn bản đó là hàng dệt may, hàng may mặc, một số nông sản, vấn đề này Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, đây là một nguyên tắc chúng ta phải giữ cho bằng được”.

Với một số lĩnh vực còn đang yếu kém nhưng có khả năng, có tiềm năng, Việt Nam yêu cầu phải có những lộ trình phù hợp, có thời gian để thực hiện dần chứ không thực hiện ngay. Theo Bộ trưởng Hoàng, cho đến nay, các đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, Hiệp định với liên minh Châu Âu - EU, với Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakstan, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực đã và đang thực hiện theo đúng nguyên tắc này.

Nguyễn Hiền

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *