Bộ trưởng Thương mại Mỹ: Căng thẳng Biển Đông không ảnh hưởng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam

Phát biểu với báo giới tại Hà Nội ngày 2.6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker khẳng định, những căng thẳng trên Biển Đông không gây tác động đến các doanh nghiệp Mỹ, và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ

Bộ trưởng Pritzker khẳng định, việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan và tàu bè vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa VN là hành động khiêu khích, tạo căng thẳng. Nhiệm vụ của Mỹ là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải.

Bộ trưởng Pritzker cho rằng, căng thẳng ở Biển Đông cần được giải quyết qua kênh ngoại giao và cơ chế pháp lý quốc tế. 

 

Bà Pritzker nhấn mạnh, dù kinh tế có lúc thăng trầm, song doanh nghiệp Mỹ thường có cam kết gắn bó lâu dài với VN nói riêng và ASEAN nói chung. ASEAN, với 600 triệu dân, là thị trường tiềm năng của hàng hóa Mỹ. 

 

Trong khi đó, khu vực này, với nền kinh tế đang phát triển, cũng có nhu cầu cao về công nghệ, bảo hiểm, dịch vụ tài chính, những lĩnh vực mà Mỹ có đủ khả năng cung cấp.

 
Bà Pritzker khẳng định, đây là thời điểm thuận lợi để tăng cường thương mại Việt-Mỹ, và để các doanh nghiệp Mỹ phát triển cơ hội tại VN. 
 
Chuyến thăm VN của bà và phái đoàn bao gồm các tổng giám đốc điều hành, chủ tịch các tập đoàn hàng đầu của Mỹ, cùng Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-ASEAN là một phần trong chính sách của chính quyền Tổng thống Obama, nhằm thể hiện mối quan hệ sâu sắc giữa chính phủ, doanh nghiệp hai nước. 
 
Mục tiêu của các doanh nghiệp Mỹ là thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng cứng, như tạo cơ sở di chuyển hàng hóa, dịch vụ từ điểm A đến điểm B; đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng mềm, như xây dựng thể chế pháp lý để có thể thực hiện được việc di chuyển trên. 
 
Bà Pritzker nêu rõ, VN là một đối tác then chốt của Mỹ trong ASEAN, và có tiềm năng lớn đối với các công ty Mỹ.
 
Liên quan đến tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), người đứng đầu Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, một khi TPP được thiết lập, đây sẽ là thỏa thuận có tính chất lịch sử trong thế kỷ 21 ở Châu Á - Thái Bình Dương, nơi chiếm 40% GDP toàn cầu. 
 
Việc tham gia TPP đem lại nhiều lợi ích, song cũng đòi hỏi các nước phải thích ứng. Trong quá trình VN tham gia đàm phán TPP, vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết như tiếp cận thị trường, doanh nghiệp nhà nước và lao động. 
 
Bà Pritzker khẳng định, không có sự suy giảm về động lực đàm phán TPP. Đàm phán TPP đã đi đến giai đoạn cuối cùng, mà đây thường là giai đoạn căng thẳng nhất. Lần đàm phán mới nhất ở VN vừa qua đã có kết quả khích lệ, dự kiến vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tiến hành trong 1 tháng tới. 

Bộ trưởng Pritzker cũng bày tỏ hài lòng với sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo VN trong đàm phán TPP.

 

Theo Vân Anh

Lao động

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *