Việt Nam đã thu hút tổng cộng 242 tỷ USD vốn FDI

FICA – Thông tin này được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh công bố tại phiên làm việc với Phó Thủ tướng Lào Bounpone Bouttanavong ngày 6/5/2014.

Ảnh: MPI

Ngày 06/5/2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có phiên làm việc với Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào Bounpone Bouttanavong và Đoàn công tác nhân chuyến thăm và làm việc của Đoàn tại Việt Nam từ ngày 5-10/10/2014.

Một trong những nội dung quan trọng trong chuyến thăm và làm việc của Đoàn tại Việt Nam lần này là việc tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực đầu tư. Cụ thể, phía Lào quan tâm đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, trọng tâm là chính sách về thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng và bền vững; cơ chế dịch vụ một cửa đối với nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

Ngoài ra, các nội dung như chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài của Việt Nam ngoài thuế quan, chính sách thuê, mua hoặc thuê nhượng đất đai đối với nhà đầu tư nước ngoài; vấn đề phân cấp trong cấp phép đầu tư tư nhân cũng được Chính phủ Lào quan tâm.

Qua chuyến thăm lần này, Chính phủ Lào cũng muốn học hỏi Việt Nam việc quản lý, giám sát đầu tư, thủ tục kết thúc đầu tư; cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, hơn 25 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn là một hoạt động kinh tế quan trọng, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Tính đến hết tháng 9 năm 2014, Việt Nam đã thu hút được trên 17,000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 242 tỷ USD.

Không chỉ có nhiều lợi thế và môi trường đầu tư hấp dẫn, Việt Nam còn đang nỗ lực thu hút FDI bằng cam kết mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.

Về các cơ chế chính sách ưu đãi nhà đầu tư đầu tư vào các các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, việc ưu đãi đầu tư vào các khu kinh tế này đã đem lại nhiều hiệu quả to lớn, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, đối với các khu kinh tế cửa khẩu, việc phát triển còn tùy thuộc vào quy mô các hoạt động kinh tế của các khu vực lân cận với các khu vực cửa khẩu này. Do vậy các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các khu kinh tế này chưa đem lại những hiệu quả như mong muốn.

Ngoài ra, Việt Nam đã và đang hội nhập ngày một sâu rộng với nền kinh tế quốc tế, các hiệp định FTA, TPP sẽ được ký kết trong tương lai gần, khi đó các ưu đãi nêu trên sẽ không còn nhiều ý nghĩa, vấn đề quan trọng nhất đối với Việt Nam trong thu hút đầu tư của Việt Nam lúc này là việc cải thiện môi trường đầu tư.

Về phân cấp đầu tư, cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương, hiện nay, Việt Nam đã phân cấp đầu tư toàn diện cho với các địa phương, việc phân cấp này đã đem lại nhiều hiệu quả to lớn, góp phần nâng cao tính tự chủ của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập trong công tác cấp phép, quản lý các dự án đầu tư, cơ chế phối hợp chưa thực sự hiệu quả.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *