Tăng trưởng Trung Quốc chậm lại có ảnh hưởng tới Việt Nam?

FICA - Theo phân tích của chuyên gia WB, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển cơ sở sản xuất sang phía Tây Trung Quốc và các nước khác trong vực, và đây có thể là cơ hội.

Trong phiên họp báo trực tuyến của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) với sự tham gia của nhiều đầu cầu tại các quốc gia khác nhau, ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB cho biết, việc Chính phủ Trung Quốc sử dụng các biện pháp nhằm kìm hãm nợ của chính quyền địa phương, kiềm chế hoạt động của ngân hàng ngầm (shadow banking), giải quyết thừa công suất, nhu cầu năng lượng cao và mức độ ô nhiễm cao tại nước này sẽ làm giảm đầu tư và sản lượng sản xuất công nghiệp.

Theo dự báo của World Bank, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm nhẹ xuống còn 7,4% trong năm nay trước khi lùi sâu về mức 7,2% vào năm 2015. Nước này vẫn đang trong quá trình thực hiện những cải cách về cơ cấu nhằm giải quyết các yếu kém về tài chính và những điểm nghẽn mang tính cơ cấu của nền kinh tế.

Sự suy giảm tăng trưởng mạnh ở Trung Quốc được cho là sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của các quốc gia trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. WB lo ngại, có thể, yếu tố Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng mạnh tới các công ty sản xuất hàng hóa, chẳng hạn các công ty xuất khẩu kim loại ở Mông Cổ và các công ty xuất khẩu than ở Indonesia.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, “liệu tăng trưởng của Việt Nam có bị chậm lại do ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc?” ông Sudhir Shetty cho rằng, không hẳn là khi kinh tế Trung Quốc chậm lại thì dòng đầu tư cũng chậm lại, thậm chí là tăng lên. Theo phân tích của ông Sudhir Shetty, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển cơ sở sản xuất sang phía Tây Trung Quốc và các nước khác trong vực, và đây có thể là cơ hội.

Trong năm 2014, WB dự báo, không kể Trung Quốc, tăng trưởng các nước đang phát triển trong khu vực dự kiến sẽ giảm xuống mức đáy là 4,8%, đặc biệt là hai nền kinh tế Indonesia và Thái Lan, trước khi tăng lên mức 5,3% vào năm 2015-2016.

Mặc dù vậy, các nước đang phát triển khu vực Đông Á – Thái Bình Dương vẫn tiếp tục có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các khu vực khác trên thế giới.

Cùng với Malaysia và Campuchia, thì Việt Nam là quốc gia có điều kiện phù hợp để tăng trưởng xuất khẩu do mức độ hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, và qua đó được hưởng lợi khi kinh tế thế giới ấm lên.

WB cho rằng, trong dài hạn, hầu hết các nước đều phải tập trung vào việc thực hiện những cải cách về cơ cấu cần thiết nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu. Những cải cách như vậy sẽ giúp các nước có điều kiện hưởng lợi từ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, cũng như từ sự vươn lên của Trung Quốc trong chuỗi giá trị với các mặt hàng xuất khẩu ít thâm dụng lao động hơn.

Những lĩnh vực cải cách then chốt này bao gồm lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, hậu cần, và tự do óa dịch vụ và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bao gồm cả những hướng cải cách cần thiết trong bối cảnh hội nhập khu vực.

Bích Diệp 

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *