Xuất khẩu sang Nga: “Đi đâu cũng đụng đá tảng”

FICA - Thị trường Nga tuy quen nhưng lại lạ và nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất với doanh nghiệp Việt là độ mở thị trường hẹp, chi phí vận chuyển cao và chịu cạnh tranh lớn

Mặc dù Nga đang rất “mở” đối với hàng hóa Việt Nam vào thị trường của mình nhưng những thách thức thực tế đang khiến doanh nghiệp (DN) Việt Nam đụng phải “hòn đá tảng” và tỉnh giấc mơ. 

 

DN Việt Nam đang chịu nhiều sức ép về chi phí vận tải, cạnh tranh về giá và chia sẻ thị trường với các nước

 

Một DN ví von rằng: Nga có rất nhiều lợi thế về yếu tố lịch sử, truyền thống, nhưng DN Việt đụng đâu cũng gặp đá tảng. Cái khó đến từ bạn (thị trường Nga) và nhiều cái khó cũng đến từ ta (DN Việt Nam).

 

Hàng loạt các khó khăn được chỉ ra như: đường dài, chi phí cao nên hàng Việt Nam cực kỳ bất lợi trong cuộc đua về giá cả. Hàng Việt Nam lại chỉ yếu có lợi thế về cạnh tranh giá, các yếu tố chất lượng, thiết kế, thương hiệu thua xa EU, các nước SNG và các nước cận kề như Trung Quốc, Ấn Độ. Chính sách thuế của Nga thay đổi nhanh chóng, thậm chí nhiều người ví von.. “mở mắt ra đã có 1 chính sách ra đời”. Giao dịch tỷ giá gặp rất nhiều khó khăn do chênh lệch tỷ giá giữa đồng Rúp – USD và VNĐ đang rất lớn, khiến DN Việt Nam gặp bất lợi.

 

Theo đại diện của Bộ Công Thương, nếu liên minh thuế quan Nga – Belarus và Kazhactan ký kết FTA với Việt Nam hoàn thành trong năm nay, rất nhiều cơ hội được mở ra cho DN Việt Nam, trong đó có việc giảm ngay đến 0% các thuế đối với nông - thủy hải sản và lâm sản, nguyên liệu, khoáng sản và dầu thô... Chính sách hướng Đông của Nga đang rất coi trọng Việt Nam như “cửa ngõ” vào ASEAN và bàn đạp của các tập đoàn công nghiệp của Nga xuống Đông Nam Á.

 

Theo ông A.E Likhachev - Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga, Khi liên minh Kinh tế Á – Âu được thiết lập, Việt Nam sẽ nằm trọn trong đường đi của chuỗi sản xuất các DN Nga xuống các nước ASEAN và Nga đang coi Việt Nam là điểm đầu tư lý tưởng cho các tập đoàn Nga. Cũng chính vì lý do này, mà lần sang thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, Nga mang đến rất nhiều DN lớn, nhỏ phục vụ cho quá trình tạo lập để chuẩn bị các tập đoàn Nga đổ bộ vào Việt Nam.

 

Còn theo ông P.M Fradkov - Tổng giám đốc Cơ quan bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và đầu tư Liên bang Nga: Chúng tôi sẽ đứng ra bảo lãnh tín dụng cho các nhà đầu tư Việt Nam tại Nga về các lĩnh vực như nuôi trồng - chế biến thủy sản, khai khoáng, khai thác mỏ và chế biến gỗ; hợp tác công nghệ thông tin, dược và gia công sản phẩm dệt may, giày dép và đồ gỗ… 

 

Ô​ng P.M Fradkov - Tổng giám đốc Cơ quan bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và đầu tư Liên bang Nga

 

Chúng tôi sẽ đảm nhiệm giới thiệu thị trường, giới thiệu đối tác, chỉ dẫn thị trường nhằm dẫn dắt các DN Việt Nam xâm nhập vào Nga. Trên thực tế, có rất nhiều Cty Việt Nam đã hợp tác thành công với chúng tôi cả Cty nhà nước lẫn tư nhân. Lần này, hơn 200 DN lớn của Nga thuộc đủ mọi ngành như: cơ khí, chế tạo có Tập đoàn Rostech, Tổ chức phi lợi nhuận có Glonass và lĩnh vực Tài chính có Ngân hàng Công nghiệp Matcơva…

 

Tuy nhiên, nếu lợi thế là những điều chung chung và tầm vĩ mô thì những thách thức, khó khăn lại ở chi tiết và thực tế. Các DN Việt Nam cho rằng thị trường Nga hiện vẫn chưa mở cửa và lợi nhuận thị trường này còn quá nhỏ khi "miếng bánh thị phần Nga” quá chật chội và là sự ganh đua, hiện diện cạnh tranh bởi rất nhiều nước.

 

Một DN xuất khẩu ngũ cốc đã từng làm việc với đối tác Nga chia sẻ: "Rủi ro về tỷ giá lớn khi đồng Rúp có sự chênh lệch lớn trong tỷ giá hối đoái với đồng USD và thường xuyên thay đổi. Chúng tôi từng mất 400 tấn hàng xuất khẩu gạo (2 triệu USD) vì đối tác phá sản. Phía DN Nga thích nhập nguyên liệu thô hơn thành phẩm, liên kết chuỗi để nhượng quyền thương hiệu – dán nhãn khó vì hàng Việt không xâm nhập được vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn của Nga. Bán hàng lẻ, thông qua đại lý, chợ của người Việt, đối tác Việt chiếm đa số đơn hàng và số lượng hàng của Việt Nam nên sức mua chậm"

 

Trong quan hệ kinh tế, các cân đối lớn như thương mại, đầu tư luôn thâm hụt về phía Việt Nam.  Thống kê năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại Việt – Nga mới chỉ đạt con số khiêm tốn 4 tỷ USD, 7 tháng đầu năm nay là 2 tỷ USD. Hàng Việt nhập vào Nga chủ yếu giá trị thấp, thô sơ và chịu mức đánh thuế cao.

 

Đánh giá về sức cạnh tranh của hàng Việt Nam sang Nga rất kém, đặc biệt chỉ cạnh tranh về giá, trong khi vận chuyển đường dài tốn nhiều chi phí nên yếu tố này không được coi là thế mạnh so với các hàng hóa cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ, Băng La đét và Mông Cổ.

 

Hiện, đầu tư của Nga vào Việt Nam thặng dư so với vốn Việt Nam đổ sang Nga, dù có 1 số dự án liên doanh khai thác và lọc hóa dầu của DN Việt Nam tại Nga nhưng chưa tương xứng. Theo 1 DN Việt Nam, hiện các DN xuất khẩu hàng sang Nga phải tốn chi phí gấp 1/3 sang Nhật, EU và Mỹ do phải đi vòng. 

 

Các mặt hàng của Việt Nam đang chịu mức thuế quan từ 30% - 50% do Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Mặt khác, người tiêu dùng Nga vốn quen dùng với các sản phẩm từ Đông Âu, nên thương hiệu của hàng Việt nam chủ yếu vẫn là ở các chợ truyền thống của người Việt, phần đông nhóm khách hàng thu nhập bình dân trở xuống.

 

Theo ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương, hàng Việt Nam như: lương thực, thưc phẩm, may mặc, thủy sản rất được ưa chuộng tại Nga và các nước Đông Âu, Nga có thể là cầu nối của hàng Việt Nam vào thị trường các nước còn lại tại SNG, Đông Âu khác. Khó khăn lớn nhất đối với hàng Việt Nam sang Nga chính là chi phí vận tải từ Việt Nam sang Nga quá cao vì đường dài. Kim ngạch chưa tương xứng với tiềm năng cũng do bởi các yếu tố địa lý, năng lực sản xuất và sự cạnh tranh của Việt Nam còn yếu.

 

“Nga đang là địa bàn chứng tỏ sự đa dạng của các sản phẩm của các nền kinh tế thế giới, sản phẩm của EU có, với chất lượng tôt - giá cao và quen thuộc với phần đông người phía Tây của Nga. Sản phẩm nông sản, công nghệ của Ấn Độ; dệt may, xây dựng của Trung Quốc tại phía Đông của Nga đều có. Xét về giá trị thị trường Nga có sự phân chia Đông Tây và lợi thế lớn của Việt Nam sẽ thuộc về vùng phía Đông”. Theo đại diện của Cục xúc tiến thương mại thị trường Nga và Đông Âu cho biết.

 

Phía Nga cũng cho biết, hiện giao dịch trực tiếp giữa VNĐ và Rúp chưa được hiện nên khó khăn khi phải làm việc qua 1 ngân hàng nước ngoài tại Nga. Nhiều DN cho biết, họ gặp khó khi tiếp cận giao dịch với Ngân hàng nước ngoài tại Nga do lệnh cấm vận đã làm ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi ngoại tệ tại Nga.

 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *