Quốc tế 25/03/2014 15:15

Khi vỡ nợ ở Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn


Liên tiếp các vụ vỡ nợ 


Báo chí Trung Quốc đưa tin, hôm qua 24/3, hàng trăm người đã đổ xô rút tiền tại chi nhánh ngân hàng thương mại Jiangsu Sheyang ở Diêm Thành, tỉnh Giang Tô sau khi có tin đồn rằng ngân hàng này có nguy cơ vỡ nợ. Sự việc cho thấy nhà đầu tư ngày càng phẫn nộ trước việc cơ quan điều tiết phát tín hiệu sẵn sàng chấp nhận xảy ra nhiều hơn nữa các vụ vỡ nợ.


Tuy nhiên, nguồn tin dẫn lời chủ tịch ngân hàng này, ông Zang Zhengzhi cho biết, họ sẽ đảm bảo thanh toán cho tất cả người gửi tiền. Jiangsu Sheyang là ngân hàng phải tuân thủ các yêu cầu về dự trữ, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi cũng như các quy định khác để có thể đảm bảo luôn có đủ tiền mặt khi cần thiết.


Một quan chức tại ngân hàng này cũng cho biết họ sẽ đăng thông báo ngay sau đó. Trên website của mình, ngân hàng này cho biết tính đến cuối tháng 2, họ có tổng tiền gửi 12 tỷ nhân dân tệ.


Cho đến nay, các ngân hàng Trung Quốc hoạt động dưới sự bảo lãnh của chính phủ do đó gần như là tránh được nguy cơ vỡ nợ, hoặc trong những tình huống hi hữu, người gửi tiền sẽ được bảo vệ. Trung Quốc dự kiến sẽ công bố chương trình bảo hiểm tiền gửi chính thức trong năm nay.


Tuy nhiên, tâm lý của người gửi tiền ở Yancheng bị lung lay từ hồi tháng 1 vừa qua khi một số hợp tác xã địa phương vốn không chịu sự giám sát của cơ quan điều tiết ngân hàng rơi vào cảnh cạn ngân sách và buộc phải đóng cửa.


Trong vòng nửa tháng, thị trường trái phiếu Trung Quốc rúng động bởi 2 vụ vỡ nợ liên tiếp. Vụ vỡ nợ gần 90 triệu USD của công ty pin mặt trời Shanghai Chaori, đánh dấu vụ vỡ nợ đầu tiên của Trung Quốc kể từ những năm 1990 và tạo “tiền lệ” cho vụ vỡ nợ tiếp theo của


công ty bất động sản Zhejiang Xingrun. Công ty Zhejiang Xingrun không thể hoàn trả khoản nợ 3,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 566,6 triệu USD).  Zhejiang Xingrun được cho là có tài sản trị giá 3 tỷ nhân dân tệ.           

Thông điệp tới thị trường của Trung Quốc

 

Giới quan sát cho rằng, việc giới điều tiết Trung Quốc “bật đèn xanh” cho các vụ vỡ nợ là dấu hiệu của sự khởi đầu một thời kỳ mới trong cách ứng xử với thị trường nợ. “Trước đây chưa từng có chuyện doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu. Vì vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng phá vỡ sự hiểu nhầm rằng mọi thứ ở đây đều được chống lưng” - theo Leland Miller, Chủ tịch Công ty Nghiên cứu China Beige Book.


Đến nay, chính phủ Trung Quốc và các ngân hàng quốc doanh đã chi tiền cứu trợ hoặc cấp các khoản vay vào phút chót cho những doanh nghiệp trong nước trên bờ vực phá sản. Điều này khiến nhà đầu tư đổ tiền hơn vào trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc, với niềm tin chính phủ sẽ giúp bảo đảm những công ty này tiếp tục trả nợ, dù làm ăn thua lỗ cỡ nào. Tuy nhiên, một lượng lớn trong số nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải đáo hạn vào năm nay, và hơn 1.500 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào cuối tháng 1 năm sau.


“Không thể đủ tiền để ứng cứu mọi thứ được”, ông Miller nói. Đó là lý do vì sao chính phủ Trung Quốc để một số công ty vỡ nợ. “Trung Quốc cần để vỡ nợ tín dụng thực sự nhằm giảm vấn đề hỗ trợ không lành mạnh, có như vậy mới có thể phát triển một thị trường tín dụng ổn định, khỏe mạnh” - Barclays khuyến cáo khách hàng đầu tư.

Một số nhà quan lo ngại vụ vỡ nợ có thể mở đầu cho một làn sóng vỡ nợ sắp tới của các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s cho rằng, sự kiện mang tính chuyển biến đối với thị trường trái phiếu Trung Quốc sẽ không gây ra rủi ro tín dụng cho toàn hệ thống tài chính Trung Quốc. “Chúng tôi tin rằng sự kiện này sẽ khiến nhà đầu tư và các định chế tài chính thận trọng hơn, nó cũng sẽ khiến chi phí cấp vốn đắt đỏ hơn trong khi điều kiện cấp vốn cho những doanh nghiệp yếu kém sẽ được thắt chặt”, chuyên gia Christopher Lee tại Standard & Poor’s nhận định.



Phương Linh
 Tổng hợp

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *