Quốc tế 25/03/2014 07:59

Nga bị tẩy chay khỏi G8

FICA - Lãnh đạo 7 nền kinh tế giàu nhất thế giới tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại G8, và tẩy chay hội nghị G8 tổ chức tại Sochi vào tháng 6 tới, đồng thời sẵn sàng tăng cường trừng phạt nếu Nga không thay đổi lập trường về vấn đề Crimea.

Kết thúc cuộc họp hôm qua 24/3, lãnh đạo nhóm G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh, Mỹ và chủ tịch Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu đã đưa ra Tuyên bố Hague. Theo đó, nhóm này quyết định tổ chức hội nghị riêng tại Brussels vào tháng 6 tới thay vì tham dự hội nghị G8 ở Sochi (Nga). Ngoài ra, G7 cũng khuyến cáo các ngoại trưởng của nhóm không tham dự cuộc họp tại Matxcơva vào tháng 4.


Tuyên bố Hague cũng nhấn mạnh G7 vẫn không công nhận việc Nga cho sáp nhập Crimea cũng như cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là không hợp pháp. "Luật pháp quốc tế cấm sáp nhập một phần hay toàn bộ lãnh thổ quốc gia khác thông qua áp bức hay vũ lực”, tuyên bố nêu.


G7 cảnh báo sẵn sàng tăng cường trừng phạt nhằm vào kinh tế Nga nếu nước này tiếp tục làm gia tăng căng thẳng. Với lo ngại lệnh trừng phạt có thể tác động ngược trở lại phương Tây đặc biệt là khi Nga kiểm soát nguồn cung khí đốt cho châu Âu, lãnh đạo G7 cho biết sẽ nhóm họp các bộ trưởng năng lượng để thảo luận vấn đề an ninh năng lượng chung.


Phản ứng về việc G7 tẩy chay Nga, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết: “G8 không phải một diễn đàn chính thống, không ai cấp thẻ thành viên cũng không ai có thể khai trừ thành viên. Nếu phương Tây cho rằng mô hình này đến lúc tan rã, thì điều đó không thể tránh khỏi. Chúng tôi sẽ không cố gắng theo đuổi nó”. Ông cho rằng, Nga không tìm cách duy trì G8 khi mà có thể thảo luận các vấn đề lớn của quốc tế tại các diễn đàn khác như G20, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.


Căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine tiếp tục leo thang trong bối cảnh lệnh trừng phạt khiến nguồn vốn bốc hơi khỏi Nga ngày càng nhanh. Thứ trưởng Kinh tế Nga Andrei Klepach tmowis đây thừa nhận, dòng tiền rút khỏi Nga trong quý I này cố thể lên tới 65 – 70 tỷ USD, so với tổng 63 tỷ USD cả năm 2013, trong khi kinh tế có thể không tăng trưởng. Điều này làm dấy lên lo ngại Nga có thể sẽ sớm áp chính sách kiểm soát dòng vốn để ngăn chặn bốc hơi dòng tiền.


Lars Christensen tại ngân hàng Danske cho rằng giới lãnh đạo Nga có thể sẽ thực thi một số biện pháp cưỡng chế tài chính nhằm duy trì nguồn vốn ở Nga. “Việc kiểm soát nguồn vốn là một rủi ro nghiêm trọng. Bất cứ điều gì xảy ra lúc này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế Nga bởi nhà đầu tư sẽ không nhắm mắt cho qua”, chuyên gia này nhận định.

Phương Linh
Theo Telegraph, RT, CBC

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *