Góc nhìn 15/01/2019 14:48

CPTPP có hiệu lực, doanh nhiệp Việt mất thị phần?

Một trong những rủi ro lớn là việc hàng hoá từ nước ngoài tràn vào Việt Nam với giá rẻ, chất lượng cao, đẩy doanh nghiệp trong nước vào thế không thể cạnh tranh được, gây rủi ro cho nền kinh tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Kinh tế

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ khiến Việt Nam chịu thêm nhiều áp lực đến từ sự gia tăng sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam phải chạy nhanh hơn nữa để theo kịp và phù hợp với sự phát triển chung của kinh tế thế giới. Trong 11 nước CPTPP chỉ có Việt Nam là phát triển theo hướng "kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa", các nước còn lại đều theo chủ nghĩa tư bản.

Điều này khiến kinh tế Việt Nam vẫn còn sự chênh lệch lớn so với nền kinh tế thị trường hoàn hảo của các nước thành viên CPTPP. Do đó, làm thế nào để tạo được thế cân bằng, giảm thiểu rủi ro mà vẫn giữ được định hướng kinh tế chính trị của Việt Nam là vấn đề Chính phủ, Quốc hội cần đưa dự thảo luật rộng rãi, lấy ý kiến toàn dân cũng như tất cả bộ ngành để có định hướng chắc chắn.

Việt Nam đang đi vào môi trường kinh doanh toàn cầu mà chưa biết đi về đâu. Chúng ta chỉ có thể nói về những thuận lợi như tăng xuất khẩu, tăng GDP, hội nhập nhưng rủi ro cho nền kinh tế chưa thực sự được bàn bạc kỹ lưỡng, điều này là rất đáng quan ngại. 

Ngoài ra, tôi cho rằng, hiện nay có năm thách thức đối với kinh tế Việt Nam khi tham gia vào thị trường thương mại này. Thứ nhất là năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Vì vậy, khả năng để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu rất hạn chế, không thể ngày một ngày hai mà cần thời gian để các doanh nghiệp Việt dần lớn mạnh và tăng năng lực sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, đối với một số ngành nghề có thuận lợi cho xuất khẩu khi tham gia CPTPP do được miễn giảm thuế như dệt may, thuỷ hải sản. Tuy nhiên, khó khăn cũng là rất lớn, bởi thị trường này yêu cầu về xuất xứ hàng hoá rất nghiêm ngặt. Nếu không đảm bảo được yêu cầu về về nguồn gốc xuất xứ thì doanh nghiệp Việt sẽ không thể tận dụng được cơ hội miễn thuế, giảm thuế trong hiệp định này.

Câu chuyện về phương án xuất xử hàng hoá sẽ thay đổi rất mạnh mẽ trong các doanh nghiệp ngành nghề này thời gian tới để phù hợp với tiêu chuẩn của CPTPP.

Thứ ba là rủi ro lan chuyển. Khi tham gia hội nhập, chỉ cần rủi ro của một doanh nghiệp, một quốc gia nào đó trong khối CPTPP, tất yếu sẽ có lan truyền đối với rủi ro của nước trong khối. Điều này sẽ tác động đến tính tự chủ của các nước khi quyết định các chính sách phát triển.

Thứ tư là vấn đề phải đẩy mạnh cải cách thể chế và thứ năm là khó khăn do nguồn nhân lực của Việt Nam còn yếu, chất lượng thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Để đối mặt với thách thức và tận dụng cơ hội do CPTPP mang lại, trước hết các doanh nghiệp phải hiểu rõ CPTPP là gì. 

Hiện tại, Chính phủ đã có những văn bản về các quy định của CPTPP nhưng bao nhiêu doanh nghiệp có những đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, bóc tách những điều khoản đó và phân tích ảnh hưởng của nó đến doanh nghiệp như thế nào?

Trong khi đó, nếu không hiểu rõ các quy định, doanh nghiệp sẽ không thể tận dụng những cơ hội do hiệp định này mang lại. Đơn cử như việc liệu doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP với thuế 0% hay không trong khi nguyên vật liệu, nguồn gốc xuất xử không đúng quy định.

Điều cần làm bây giờ là Chính phủ phải tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền các quy định về CPTPP, nghiên cứu, đánh giá cơ hội thách thưc đối với chính mình do hiệp định này mang lại. 

Đồng thời, Chính phủ, Quốc hội cần tập trung cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới giáo dục đào tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ sức phát triển và cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế như hiện nay.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Trí Hiếu
Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế

Ông Hiếu sinh năm 1947 và hiện là Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh. Ông Hiếu là một Việt kiều, quốc tịch Mỹ, là chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, đồng thời đảm nhiệm cương vị thành viên thường trực và độc lập Hội đồng quản trị Ngân hàng cổ phần An Bình.

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *