Góc nhìn 25/12/2018 11:06

Chúng ta ứng xử thế nào với công nghệ?

Thêm một start-up Việt Nam muốn sang Singapore mở doanh nghiệp.

Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế VCCI

Ngồi nói chuyện với một startup cung cấp phim, video trực tuyến đang trong giai đoạn thử nghiệm. Họ tự tin có công nghệ tốt để xem không giật, không lag, tự tin nắm rõ thị hiếu người xem để cung cấp sản phẩm phù hợp, tự tin là sẽ chỉ cung cấp sản phẩm có bản quyền.

Thế nhưng, cái duy nhất họ không tự tin là đi xin phép cơ quan Nhà nước. Bộ Thông tin truyền thông đang sửa Nghị định 06, coi các website, app cho xem video được coi là truyền hình và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cấp phép. Những tưởng cứ đi xin phép là được làm, nhưng không đơn giản như vậy, vì giấy phép mẹ đẻ giấy phép con. Startup đó phải đáp ứng những quy định sau:

Phải làm việc với VTV, VTC, Thông tấn xã, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Quốc hội, Báo Nhân dân để xin tiếp sóng 7 kênh truyền hình của họ.

Phải dịch 100% phim, truyền hình thực tế, trò chơi truyền hình từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt. Với hàng ngàn, hàng triệu giờ video, đây sẽ là chi phí khủng khiếp.

Mặc dù phải dịch, nhưng không được tự dịch, không được thuê người thường dịch, không được dùng máy móc dịch, mà phải thuê một đài truyền hình dịch.

Không được tự chèn, hay dùng máy móc chèn quảng cáo vào video, mà phải thuê một đài truyền hình làm việc này.

Phải thuê một đài truyền hình để kiểm duyệt nội dung các video không được chống phá Nhà nước, không được trái thuần phong mỹ tục, không được gây chia rẽ, không được kích động bạo lực, chiến tranh, không được xuyên tạc lịch sử, không được xúc phạm anh hùng dân tộc, không được tiết lộ bí mật, không được cổ suý hủ tục, không được gây hoang mang trong xã hội, không được thông tin sai sự thật, không được xuyên tạc, vu khống, xúc phạm…

Không được phép có vốn đầu tư nước ngoài, trừ khi được Thủ tướng chấp thuận.

Startup này đã được Google rót vốn đầu tư. Nên một là họ phải lên xin Thủ tướng, hai là phải từ bỏ số tiền này. Vướng mắc xin giấy phép như vậy, CEO của startup này đang băn khoăn việc sang Singapore mở doanh nghiệp.

Nhưng Nghị định sửa đổi này cũng sẽ quản lý cả những nhà cung cấp qua biên giới, rằng các kho video, audio nước ngoài nếu muốn thu tiền từ người dùng Việt Nam thì đều phải thuê một doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam làm đầu mối để xin giấy phép và vẫn phải đáp ứng các yêu cầu trên.

Nếu doanh nghiệp nước ngoài không đến Việt Nam xin phép thì sao? Không nói ra, nhưng có vẻ nhiều người tự hiểu là sẽ rất dễ bị chặn truy cập.

Quy định về cấp phép này chỉ áp dụng đối với trường hợp có thu phí, còn nếu miễn phí thì tạm thời không phải xin phép. Dự kiến sẽ có ít nhất 3 ông lớn nước ngoài là Netflix, Iflix, Spotify và 25 doanh nghiệp Việt Nam trong đó có cả VNG, HD Việt sẽ phải xin giấy phép này.

Nên nhớ, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận vốn đầu tư nước ngoài, vì vậy, họ sẽ không được cấp phép, trừ khi Thủ tướng đồng ý, hoặc phải trả lại toàn bộ tiền, cả vốn lẫn lãi, cho những nhà đầu tư nước ngoài.

Điều thú vị là, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền đang gia sức vận động để thông qua những quy định này. Của đáng tội, các doanh nghiệp này đã bỏ kha khá tiền đầu tư vào hạ tầng truyền dẫn như cáp, vệ tinh, nhưng doanh thu của họ thì đang sụt giảm bởi sự cạnh tranh từ những kẻ cung cấp phim ảnh online như vậy.

Chuyên mục: Góc nhìn
Nguyễn Minh Đức
Nguyễn Minh Đức - Ban pháp chế, VCCI

Nguyễn Minh Đức sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987, tốt nghiệp đại học là cử nhân Luật và hiện đang là thành viên Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *