Góc nhìn 02/01/2019 16:13

Kinh tế 2019 là bức tranh pha trộn giữa hồng và xám

Một bức tranh kinh tế đa sắc màu luôn tiềm ẩn những cơ hội cho Việt Nam phát triển nếu biết nhìn đúng thời cơ và nắm bắt kịp thời.

TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia Kinh tế

Trước hết là gam màu xám. Vùng xám thứ nhất đến từ kinh tế thế giới. Tất cả các dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong một tháng gần đây cho hai năm tới đều thấp hơn những dự báo từ trước đó sáu tháng từ 0,1- 0,3 điểm. Điều này chứng tỏ kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại, kéo theo đó là tăng trưởng thương mại nhiều khả năng sẽ sụt giảm.

Bên cạnh đó, hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đều được dự báo có tăng trưởng kinh tế giảm tốc nhanh hơn trước đây. Các xu hướng kinh tế thế giới được dự báo sẽ bất định và rủi ro gia tăng do bốn yếu tố bao gồm địa chính trị, giá cả, hàng hoá, giá dầu và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Các xu hướng này sẽ có tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam trong năm 2019.

Vùng xám thứ hai là kinh tế trong nước, đằng sau câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam là câu chuyện chất lượng tăng trưởng. Đối với công nghiệp, Việt Nam đang quá phụ thuộc vào khu vực FDI đã được nói đến rất nhiều.

Bên cạnh đó, một điều quan trọng nữa là việc chuyển đổi mô hình chất lượng tăng trưởng, môi trường kinh doanh, câu chuyện kinh doanh của Việt Nam. Hợp đồng kinh doanh của Việt Nam hiện đang yếu nhất trong các nước Apec, Luật Cạnh ranh, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu.

Năm 2018 truyền thông và dư luận đang lãng quên một điều gắn với chất lượng tăng trưởng là nếu theo WTO, năm nay Việt Nam phải được công nhận là nền kinh tế thị trường. Mặt khác, các chỉ số về lao động năng xuất, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đều không đạt chỉ tiêu, đầu tư công gần như không có dự án nào... Đằng sau đó là sự đình trệ của bộ máy.

Nguyên nhân của thực trạng này là do, Chính phủ đang siết chặt kỷ luật. Thách thức lớn nhất của Việt Nam là vừa phải đối mặt với câu chuyện bức xúc xã hội vừa muốn tăng trưởng ổn định và cải tổ bộ máy, cải cánh chính trị. Đây là điều rất đúng đắn, tuy nhiên, hành động này lại đang gây khó cho cả hiện tại và sự đổi mới.

Hơn nữa, nếu nói về cách mạng 4.0 cái đầu tiên không phải công nghiệp mà là thể chế, chính sách. Cuộc cách mạng 4,0 phải cho phép sai lầm, song ở Việt Nam hiện nay liệu có dám sai lầm không cũng là điều đáng bàn.

Về gam màu hồng của nền kinh tế, trước hết đến từ phía người dân Việt Nam. Điều này được thể hiện ở chỉ số tiêu dùng tốt, bán lẻ tăng 9%, du lịch năm ngoái là 13 triệu khách nước ngoài, năm nay là 15 triệu, nhưng thực tế khách du lịch trong nước con cao hơn rất nhiều, từ 65 - 70 triệu khách trong nước đi du lịch.

Thứ hai là các hiệp định thương mại tự do như CPTPP đang giúp Việt Nam tiếp cận, đa dạng hoá thị trường, giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.

Thứ ba là những nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển. Thứ tư là những cơ hội cho Việt Nam từ việc chuyển hướng đầu tư của các doanh nghiệp do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Nếu cân bằng các gam màu sáng, tối cho phát triển kinh tế, mục tiêu tăng trưởng được Quốc hội đặt ra trong năm 2019 là từ 6,6 - 6,8% là vừa phải, đủ cẩn trọng trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, trong một bức tranh kinh tế thế giới đa sắc màu, luôn tiềm ẩn những cơ hội cho Việt Nam phát triển nếu biết nhìn đúng thời cơ và nắm bắt kịp thời.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *