Góc nhìn 09/01/2019 15:21

Quyền tài sản của chúng ta còn rất yếu

Theo Báo cáo Việt Nam 2035, quyền tài sản của chúng ta còn rất yếu.

TS Võ Trí Thành, Chuyên gia Kinh tế

Liên quan đến việc can thiệp của nhà nước thì thế giới có nhiều cách nhìn. Thứ nhất là Nhà nước can thiệp trực tiếp vào thị trường, mà biểu hiện cực đoan nhất là mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nhà nước quyết định mọi thứ. Thứ hai là mô hình hỗn hợp, nhà nước can thiệp vừa phải vào thị trường mà Ngân hàng Thế giới gọi là nền kinh tế nhà nước thân thiện với thị trường; nhà nước để nền kinh tế vận hành đúng quy luật thị trường, chỗ nào cần can thiệp mới can thiệp. Và cuối cùng là các nền kinh tế hoàn toàn thị trường.

Việt Nam ta có sáng tạo là phát triển bền vững và bao trùm. Chúng ta mở cửa thị trường, tham gia hội nhập, tham gia mạng, chuỗi sản xuất của thế giới. Chúng ta không hẳn là thế này, hay thế kia.

Tức là khi nói về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thì có một số quan điểm như thế.

Quá trình chuyển đổi ở Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường về bản chất là mở rộng cơ hội, đặc biệt là cơ hội kinh doanh, cho người dân và nâng cao năng lực tận dụng cơ hội. Chúng ta đã làm tương đối tốt ở góc độ tạo cơ hội cho người dân qua việc mở cửa thị trường, hội nhập nhưng về nâng cao năng lực tận dụng cơ hội thì chưa làm tốt vì những yếu kém về thể chế, về chất lượng nhân lực.

Quá trình chuyển đổi đó thực chất là quá trình phân chia, phân bổ lại tài sản, cụ thể là doanh nghiệp nhà nước và tài nguyên đất đai. Trong đó, quá trình tích lũy tư bản đầu tiên là phân bổ lại tài sản, từ tài sản thuộc sở hữu của tất cả người dân được Nhà nước đại diện chuyển sang cho khu vực tư nhân,…  Tài sản, nguồn lực được phân bổ, chia lại cho đến khi có sở hữu rõ ràng đến mức giao dịch theo đúng thị trường.

Sau khi tích lũy, xác định rõ sở hữu thì doanh nghiệp mới đi được vào khâu đổi mới sáng tạo, giá trị gia tăng,… Tuy nhiên, theo Báo cáo Việt Nam 2035, quyền tài sản của chúng ta còn rất yếu.

Liên quan chuyện thực thi hợp đồng, gần đây tôi gặp rất nhiều câu hỏi, liệu có chuyện hồi tố hay không, liệu có đảm bảo không chia lại sau chục năm nữa hay không, liệu thể chế chia lại hiện nay có đảm bảo tạo ra sở hữu rõ ràng để nó không bị chia lại hay không?

Nếu lại đòi chia lại thì không có phát triển. Lý do, một đất nước chỉ loay hoay đòi chia cái đang có thì không thể phát triển; phát triển phải là từ cái đầu, từ chất xám, từ sáng tạo mà những yếu tố này, như tôi đã nói, thường chỉ có được sau khi đã tích lũy, có sở hữu rõ ràng.

Tuy nhiên, quan điểm của tôi là cân bằng, có sai phạm thì phải xử nhưng nền tảng phát triển là tối quan trọng.

Chuyên mục: Góc nhìn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *