Tiền và Hàng 15/05/2014 07:33

Thị trường cá tra: Khởi sắc trở lại

Xuất khẩu (XK) cá tra đang hồi phục trở lại, diện tích nuôi cá cũng được nhân rộng và giá cá nguyên liệu cũng như XK đang lên.

Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất

Theo công bố mới nhất của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep), đến hết quý 1/2014, kim ngạch XK của mặt hàng cá tra đạt 409 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Trong tháng 4, cá tra XK sang các thị trường lớn, nhất là Hoa Kỳ, đã tăng về lượng và giá, kéo theo giá cá tra nguyên liệu trong nước cũng tăng trở lại. Đặc biệt, sau khi Mỹ công bố mức thuế trong đợt xem xét thứ 9 vụ kiện chống bán phá giá cá tra Việt Nam (POR9) thì giá cá tra XK sang thị trường này đã tăng thêm 15cent/kg. Giá cá nguyên liệu trong nước từ 24.500-25.600 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước trên, dưới 3.000 đồng/kg.

Tổng cục Thủy sản (D-Fish) và Vasep khẳng định: Ngành sản xuất cá tra của Việt Nam luôn duy trì đổi mới công nghệ và cải thiện để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của Việt Nam và thị trường thế giới về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như các trách nhiệm đối với môi trường và xã hội. Trong 2 năm tới, Việt Nam tiếp tục duy trì khối lượng sản xuất cá tra nhằm nâng cao chất lượng và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Tiêu chuẩn VietGAP đang được áp dụng rộng rãi trong nuôi cá tra tại Việt Nam. Các yêu cầu và tiêu chí của VietGAP khá tương đồng với các tiêu chuẩn quốc tế hiện đang được áp dụng như GlobalGAP, ASC, BAP…

Theo Nghị định 362014/NĐ-CP, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, xử lý các tranh chấp thương mại, rào cản kỹ thuật đối với XK sản phẩm cá tra; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động XK sản phẩm cá tra theo thẩm quyền...

D-Fish và Vasep cũng cho hay, ngày càng có nhiều trại nuôi cá tra đạt chứng nhận GlobalGAP, ASC, BAP... đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản và trên toàn cầu. Đặc biệt, giai đoạn 2013 – 2017, ngành cá tra Việt Nam được Chương trình Switch Asia của EU hỗ trợ một phần tài chính để thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” (SUPA), với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam là nước sản xuất, chế biến và xuất cá tra an toàn, phát triển bền vững về kinh tế, môi trường, xã hội.

Hành lang pháp lý cho ngành cá tra

Năm 2014, dự báo kim ngạch XK cá tra đạt khoảng 1,75 tỷ USD. Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực vừa qua thì có nhiều kỳ vọng gia tăng kim ngạch của mặt hàng này. Để sản phẩm cá tra phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra.

Theo đó, từ ngày 20/6/2014, bên cạnh địa điểm, diện tích nuôi cá tra thương phẩm phải phù hợp với quy định thì cơ sở nuôi cá tra phải bảo đảm các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản; được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương chứng nhận, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi cá tra thương phẩm.

Các cơ sở chế biến cá tra phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về chế biến thực phẩm thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định; áp dụng các biện pháp phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá tra chế biến. Doanh nghiệp XK phải đạt đủ các điều kiện XK và đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra. Thương nhân phải đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra Việt Nam.

Về xử lý vi phạm: Sẽ đình chỉ XK lô hàng không đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản theo quy định; tạm dừng XK đối với thương nhân XK bị cơ quan có thẩm quyền của thị trường nhập khẩu yêu cầu tạm dừng do có vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Theo Thùy Linh

Báo Công thương

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *