Tiền và Hàng 20/02/2015 09:46

Sự thật buồn đằng sau thành tích xuất khẩu nông sản

Nông dân đã rất cố gắng, làm ăn giỏi, năng suất cao, nhưng chất lượng chưa đảm bảo, bao tiêu đầu ra chưa tốt.

Kim ngạch xuất khẩu toàn vượt mức

 

Sau hơn một năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp, chia sẻ những ngày đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, chỉ rõ, năm 2014, có thể xem là năm được mùa, được giá của ngành nông nghiệp.

 

Tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27% và cao hơn nhiều so với năm 2013 là 2,64%. Tổng sản lượng lúa cả nước đạt kỷ lục 45 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so năm 2013.

 

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 31 tỷ USD (tăng 11,2%) cũng là con số kỷ lục từ trước tới nay. Đến nay, có 10 mặt hàng trong ngành xuất khẩu trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, cao su, tiêu điều, tôm, cá tra, lâm sản…Tính ra, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu 9,5 tỷ USD.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết thêm: "Trong tổ chức sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập cần tháo gỡ. Nông dân đã rất cố gắng, làm ăn giỏi, năng suất cao, nhưng nhiều nơi việc cung ứng các vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi…) chất lượng chưa bảo đảm, trong khi khâu liên kết, bao tiêu đầu ra chưa tổ chức tốt, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao".

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát

 

Trong khi, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, những con số kỷ lục của ngành nông nghiệp là điều đáng mừng nhưng để lại không ít băn khoăn cho những người làm chính sách, bởi phần lớn hàng nông sản của Việt Nam hiện vẫn xuất dưới dạng thô.

 

“Đáng lẽ Việt Nam phải thu được ngoại tệ nhiều hơn thế nếu các sản phẩm được sơ chế, bảo quản theo đúng quy trình mà thị trường yêu cầu”, Giáo sư nói.

 

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược cho rằng giá trị xuất khẩu mà ngành nông nghiệp đạt được nằm trong khung dự báo từ trước, riêng ngành đã chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay.

 

“Ngành nông nghiệp nước nhà vẫn trong giai đoạn gia công”, ông nói.

 

Hàng loạt các sản phẩm nông nghiệp rơi vào tình trạng mua rẻ - bán rẻ

 

Mặc dù đạt được con số đáng nể, nhưng nhiều sản phẩm nông nghiệp, rơi vào tình trạng không thể xuất khẩu hoặc giá rẻ.

 

Cụ thể, trong đợt đấu thầu 500.000 tấn gạo mà Cơ quan lương thực quốc gia Philippines công bố, ngày 27/8, dù Việt Nam đưa ra mức giá là 460 đô la Mỹ/tấn, mức thấp nhất trong các nước dự thầu, cao hơn mức giá trần là 3,4 đô la Mỹ/tấn nhưng vẫn không trúng thầu.

 

Lý do vì phía Philippines mặc dù đang có nhu cầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo nhưng Chính phủ Philippines chỉ bỏ ra 10,27 tỉ Peso, tương đương 234,5 triệu đô la Mỹ, tương đương với mức 456,6 đô la Mỹ/tấn.

 

Trước đó, trong lần đấu thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines, Việt Nam là nước đã trúng thầu sau khi bỏ thầu với giá rất thấp.

 

Bình luận về những khó khăn Việt Nam đang trải qua trong hoạt động xuất khẩu gạo thời gian vừa qua, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn, ĐH Cần Thơ cho biết, đây là những đòn đánh vào chính sách mua rẻ, bán rẻ, chỉ chạy theo số lượng lớn mà không chú trọng chất lượng của Việt Nam.

 

Giá quá rẻ nên người nông dân mang dưa hấu cho bò ăn

Giá quá rẻ nên người nông dân mang dưa hấu cho bò ăn

 

Về cao su, Bộ NN&PTNT cho biết trong 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 337.000 tấn cao su với tổng kim ngạch 644 triệu đô la Mỹ, giảm gần 12% về lượng nhưng giảm đến 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2014 đạt 1.842 đô la Mỹ/tấn, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Việc đề xuất giảm thuế khiến giới chuyên môn lại nghĩ tới tình huống đầy lo ngại đó là tình trạng mua rẻ, bán rẻ khiến cho cao su vốn giá giảm nay sẽ lại càng mất giá hơn.

 

Như TS Lê Đăng Doanh từng cảnh báo trong nhiều sản phẩm nông sản, thủy sản, lúa gạo Việt Nam đã bị rơi vào cảnh mua rẻ, bán rẻ, ép giá làm khó nông dân.

 

Sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này dẫn đến rủi ro hiện hữu: chỉ cần Trung Quốc ngưng mua là ngay lập tức cao su Việt Nam rơi vào cảnh lao đao.

 

Đau lòng nhất, là ngày 1/4 vừa qua, trước nạn ách tắc ở cửa khẩu, nông dân Quảng Ngãi lại thêm một phen lao đao khi thương lái dừng thu mua vì lệnh tổng kiểm tra tải trọng xe. Dưa hấu không bán được, bà con đổ cho trâu, bò ăn.

 

Theo Ngân Giang 

Đất Việt

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *