Tiền và Hàng 29/04/2014 06:30

Nông nghiệp có xu hướng tăng trưởng chậm đáng lo ngại

FICA - Những số liệu được PGS TS Trần Đình Thiên đưa ra cho thấy, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm thấp liên tục kể từ năm 2010, là rất đáng lo ngại.

Tại phiên thảo luận sáng nay (28/4) của Diễn đàn kinh tế mùa Xuân, ngoài những câu chuyện vĩ mô liên tục được nhắc tới thời gian qua như nợ công, nợ xấu, tổng cầu giảm hay bài toán phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế, một nội dung được nhiều chuyên gia đề cập tới là tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng như câu chuyện "được mùa mất giá".

TS Đặng Kim Sơn đến từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông thôn nhận định, nông nghiệp là chỗ dựa cho nền kinh tế Việt Nam. "Tôi còn cảm thấy nông nghiệp Việt Nam là lối thoát, để nền kinh tế tăng trưởng và có thể là động lực cho giai đoạn tăng trưởng mới sau khi đã tái cơ cấu lại".

Cùng chung quan điểm này, PGS TS Trần Đình Thiên trong bài trình bày trước đó cho rằng, từ trước tới nay, nông nghiệp vẫn được coi là “tấm đệm” hấp thụ các cú sốc cho nền kinh tế. "Đây cũng là trụ đỡ cho nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, nhất là tại những thời điểm khó khăn nhất".

Tuy nhiên, những số  liệu được ông Thiên đưa ra cho thấy, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm thấp liên tục kể từ năm 2010, là rất đáng lo ngại.

Đồng quan điểm này, TS Trần Du Lịch, thành viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, một trong những vấn đề khiến tình hình kinh tế vĩ mô ổn định hơn nhưng nền kinh tế chưa đủ phục hồi và vẫn trì trệ, thiếu sức sống là nông nghiệp. "Tình trạng được mua thì mất giá là vấn đề lớn".

Tăng trưởng nông nghiệp sụt giảm trong mấy năm qua có nhiều nguyên nhân. Trong đó, TS Thiên đề cập đến tiềm năng tăng trưởng năng suất lao động ngày càng bị giới hạn do các yếu tố thúc đẩy năng suất trước đây (gồm cải cách thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển sang sản phẩm mới có giá trị tăng cao hơn và thị trường rộng hơn) đến nay không còn nhiều.

Mô hình tăng trưởng nông nghiệp quảng canh, định hướng sản lượng cao - giá rẻ thay vì chất lượng tốt - giá trị gia tăng cao đã được chứng tỏ là lỗi thời và đang bị phá sản. Ngành nông nghiệp lại thiếu vắng các động lực tăng trưởng mới đến từ việc đa dạng hóa sở hữu đất đai, từ các hoạt động nghiên cứu phát triển và điều kiện khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư dài hạn để tạo sức thúc đẩy mới.

Trong khi đó, TS Đặng Kim Sơn cho rằng, ngành nông nghiệp làm rất tốt công tác chính sách xây dựng chiến lược. Vấn đề của ngành nông nghiệp đó là, dựa trên chiến lược nông nghiệp tốt, sản lượng liên tục tăng tạo nên thừa cung trong điều kiện sức cạnh tranh yếu. "Thúc đẩy sản xuất trong bối cảnh cạnh tranh yếu chưa chắc đã tốt", ông Sơn nói.

Tập trung vào kiến nghị giải pháp, ông Sơn cho rằng, khâu lưu thông ngày càng kẹp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương khi không đơn vị nào lo tập trung chuyện này. Vì vậy, TS Sơn kiến nghị hoặc tổ chức mới, hoặc có chương trình đẩy nhanh nghiên cứu thị trường.

Sau khi nghiên cứu xong, ông Sơn cho rằng cần có một loạt tổ chức hỗ trợ cho người dân, hỗ trợ cho doanh nghiệp kết nối thị trường như bán hàng ở đâu, tiêu chuẩn ra làm sao, nhà nước có chính sách như thế nào, hàng rào kỹ thuật là như thế nào, mạng lưới tiêu thụ ở các thị trường mới là như thế nào. "Chúng ta có rất nhiều tổ chức hỗ trợ sản xuất nhưng hoàn toàn thiếu tổ chức hỗ trợ sau sản xuất".

Đồng thời, ông Sơn cũng kiến nghị, nếu tỷ giá được định ở mức cao như hiện nay thì không riêng nông nghiệp mà tất cả các ngành hàng đều chịu thiệt thòi. Vì vậy, chỉ cần điều chỉnh chút ít cho phù hợp với thị trường thì toàn bộ nền kinh tế có động lực phát triển để xuất khẩu.

Ngoài ra, vị chuyên gia đến từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông thôn này cũng cho rằng, cần có chính sách miễn thuế VAT đầu vào cho sản xuất nông sản, miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp chế biến nông sản...

Với cương vị là trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, ông Lịch kiến nghị Chính phủ xây dựng, có nghị quyết riêng liên quan tới lĩnh vực đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế.

Lam Thanh

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *