Tiền và Hàng 02/12/2014 18:16

Gạo Việt Nam xuất khẩu giá thấp vì giống lúa “lôm côm”?

FICA - Đa số nông dân ở ĐBSCL, nơi cung cấp nguồn gạo xuất khẩu chính của nước ta, vẫn tự để giống lúa cho vụ sau theo sở thích riêng; còn thương lái thì gom nhiều loại lúa gạo trộn lẫn nhau thành “mớ hổ đốn” rồi bán cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, nhưng giá gạo xuất khẩu của nước ta lại rẻ nhất thế giới. Theo các nhà quản lý và các chuyên gia nông nghiệp thì chất lượng hạt giống không đảm bảo là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng lúa gạo thấp hơn mong đợi.

 

65% nông dân ĐBSCL vẫn tự để giống cho vụ sau

 

Hiện nay, giống lúa sử dụng trong canh tác ở nước ta được cung cấp theo hai hệ thống chính gồm: Hệ thống giống chính quy và hệ thống giống nông hộ. Hệ thống giống chính quy gồm các công ty giống, các trung tâm giống ở TƯ và địa phương; trong khi đó, hệ thống giống nông hộ gồm các hợp tác xã giống, tổ sản xuất giống và hộ nông dân sản xuất giống. Giống nông hộ là giống được tạo ra từ nguồn giống chính quy và được nhân ra các giống tiếp theo nên giá giống rẻ hơn, đáp ứng được yêu cầu của địa phương.

 

Đa số nông dân ở ĐBSCL vẫn tự để giống cho vụ sau (Ảnh minh họa)
Đa số nông dân ở ĐBSCL vẫn tự để giống cho vụ sau (Ảnh minh họa)

 

Theo số liệu thống kê, ở miền Bắc nước ta có khoảng 70-80% nông dân sử dụng các giống xác nhận hoặc có chất lượng tương đương. Tuy nhiên, ở ĐBSCL tỷ lệ này chỉ dao động tầm 35-40%; trong đó, chỉ có 15% giống là do hệ thống giống chính thống sản xuất, 20-25% là giống nông hộ, và còn lại là do nông dân tự để giống.

 

“Đây là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất lúa gạo của nước ta. Vì trong thực tiễn, nếu giống tốt nhưng sử dụng hạt giống không chất lượng thì sẽ không mang lại hiệu quả trong thực tiễn,” ông Phạm Đồng Quảng, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định.

 

Theo ông Quảng, nguyên nhân khiến tỷ lê sử dụng giống xác nhận ở ĐBSCL còn thấp là do lượng hạt giống sử dụng trong gieo trồng quá lớn. Trung bình ở ĐBSCL dao động từ 120-150kg hạt giống/ha, có nơi còn gieo dày hơn lên tới 180kg/ha; trong khi đó, ở phía bắc, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía bắc chỉ tầm 30-40kg/ha.

 

Điều này bởi vì phía Bắc đa số là cấy, còn phía Nam thì đa phần là gieo thẳng. Do mặt bằng đồng ruộng ở ĐBSCL không đồng đều trong khi diện tích gieo trồng lớn, nên người nông dân phải gieo dày để trừ hao tỷ lệ hạt không này mầm và cây bị chết. Hơn nữa, do nông dân tự để gống nên tỷ lệ nảy mầm thấp và phải sử dụng nhiều hạt giống; công tác kiểm soát ốc bươu vàng và cỏ dại ở phía Nam còn khó khăn; người dân ở một số nơi vùng ĐBSCL vẫn có thói quen gieo dày…

 

Để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp đồng bộ. Việc thay đổi thói quen và tập quán canh tác đòi hỏi cần có nhiều thời gian và phải làm từng bước. Việc xây dựng các mô hình, tổ chức  sản xuất hạt giống chính quy và nông hộ với giá bán hợp lý và đề ra các chính sách hỗ trợ nông dân sử dụng giống lúa xác nhận là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần xây dựng các mô hình sản xuất sử dụng hạt giống ít, gắn với các giải pháp kỹ thuật như dùng lazer sử ly mặt ruộng, điều tiết nước hợp lý, dùng thuốc đặc chủng để tiêu diệt ốc bươu vàng, cỏ dại trước khi gieo xạ, ứng dụng kỹ thuật gieo xạ tiên tiến…

 

“Đặt hàng” nghiên cứu các giống lúa có giá bán 800 USD/tấn

 

“Ngành hàng lúa gạo đang thực hiện tái cơ cấu. Trong hàng loạt các công việc để thực hiện tái cơ cấu ngành, Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm đến công tác giống lúa, tập trung vào hai khía cạnh: Tạo ra được những giống lúa chất lượng cao và có giá bán cao; đồng thời đẩy mạnh công tác sản xuất giống,” ông Quảng cho biết.

 

Bộ đưa ra quan điểm rõ ràng rằng: Giống lúa mới phải thể hiện giá bán cao. Trên mục tiêu như vậy, thời gian qua đã ưu tiên kinh phí cho khâu chọn tạo giống lúa. Bộ trưởng đã “đặt hàng” nghiên cứu để từ này đến năm 2020 tạo ra được giống lúa gạo trắng hạt dài chất lượng để đạt được giá xuất khẩu 600 USD/tấn; còn với nhóm gạo đặc sản, gạo thơm, bình quân giá xuất khẩu đạt 800 USD/tấn. Nếu thành công thì sắp tới Việt Nam sẽ có những giống lúa xuất khẩu với giá trị cao hơn hẳn so với mức hơn 400 USD/tấn hiện nay.

 

Việt Nam sẽ ưu tiên nghiên cứu các giống lúa có giá bán cao (Ảnh minh họa)
Việt Nam sẽ ưu tiên nghiên cứu các giống lúa có giá bán cao (Ảnh minh họa)

 

Ngoài khâu chọn tạo giống mới thì công tác sản xuất hạt giống cũng rất quan trọng. Bộ cũng đang chỉ đạo các địa phương phải tăng cường củng cố phát triển hệ thống sản xuất giống lúa.

 

Việc chọn tạo giống đang hướng tới theo nhu cầu thị trường. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần căn cứ vào thị trường của mình để đặt hàng trực tiếp các đơn vị nghiên cứu, hoặc kiến nghị với Bộ để giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiên cứu. Việc liên kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu là chuyển động rất tích cực bởi lâu nay các viện cứ nghiên cứu, sau đó các doanh nghiệp xuất khẩu thấy giống nào phù hợp thì dùng.

 

“Hiện nay có một tồn tại là trên các cánh đồng sản xuất sử dụng nhiều giống, và các giống này có chất lượng khác nhau, và khi thu hoạch thì các thương lái thu mua không quan tâm đến giống gì, doanh nghiệp xuất khẩu lại mua từ thương lái. Vì thế, các lô hàng xuất khẩu gạo của ta có chất lượng không đồng nhất, điều này ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu, và gây khó khăn trong xây dựng thương hiệu,” ông Quảng nhận định.

 

Ông Quảng cũng cho biết them rằng: Hiện nay các nhà quản lý đã nhìn nhận ra vấn đề này và đang nỗ lực xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng vùng nguyên liệu và đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Về lâu dài, các lô gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ có tên giống cụ thể, rõ ràng. Như vậy, trên đồng ruộng sẽ sản xuất theo từng cánh đồng lớn, thành từng vùng nguyên liệu, mỗi vùng chỉ chuyên sản xuất một giống hoặc một số giống, chứ không như hiện nay, nông dân thích giống nào thì trồng.

 

Liên quan đến vấn đề chất lượng giống lúa ở nước ta, TS. Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Việc chỉ có hơn 30% nông dân ở ĐBSCL sử dụng giống lúa xác nhận là điều đáng quan tâm. Nếu nước ta nâng được tỷ lệ nông dân sử dụng giống lúa chất lượng lên thì năng suất lúa có thể tăng thêm ít nhất là 10-20%, đi đôi với đó là chất lượng sản phẩm tốt hơn và hiệu quả sản xuất cao hơn. Để làm được điều này thì cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào khâu chọn tạo giống.

 

Thảo Nguyên
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *