Tiền và Hàng 24/04/2014 20:42

Doanh nghiệp gạo đã ế còn bị cấm xuất khẩu

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang gặp rất nhiều khó khăn thì lệnh cấm càng làm tình hình bức bối thêm.

Cấm cả xuất khẩu gạo thơm vốn không phải thế mạnh của Việt Nam (nguồn: tinnong.vn).

Cấm cả xuất khẩu gạo thơm vốn không phải thế mạnh của Việt Nam.

 

Cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo vừa nhận được văn bản từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) do đích thân tân Chủ tịch Nguyễn Hùng Linh ký, yêu cầu không được xuất khẩu gạo thơm, gạo đồ vào thị trường Iraq trong thời gian gần 3 tháng, từ ngày 20.4 đến ngày 17.7.2014.

 
Trong công văn gửi tới các doanh nghiệp đề ngày 18.4.2014, VFA giải thích lệnh cấm trên căn cứ vào văn bản báo cáo kế hoạch mua gạo của Chính phủ Iraq, trong đó có gạo thơm, gạo đồ của Việt Nam, thời gian nộp thầu là ngày 20.4.2014 của Tổng công ty Lương thực miền Bắc.
 
 
Một nguồn tin từ VFA cho biết, theo quy định của Bộ Công Thương và Nghị định 109,  các thị trường xuất khẩu gạo tập trung được chỉ định 2 đơn vị là Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) tham gia. Mục đích là tránh tình trạng cạnh tranh bán giá thấp, gây bất lợi đến kết quả dự thầu và các hợp đồng ký được sau đó sẽ chia lại cho các doanh nghiệp khác.
 
 
Do đó, khi có bất cứ đợt mở thầu nào từ các thị trường tập trung, các doanh nghiệp khác không được tham gia bán trực tiếp hoặc bán qua bên thứ ba để xuất vào. “Đây là quy định áp dụng từ trước đến nay. Vinafood 1 được giao dự thầu thị trường Iraq, Cuba, còn Vinafood 2 được giao thị trường Malaysia, Indonesia và Philippines", nguồn tin trên cho hay.
 
 
Một số doanh nghiệp ủng hộ quy định này, tuy nhiên trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang gặp rất nhiều khó khăn, nguồn cung dồi dào, giá giảm, nông dân không bán được lúa, còn doanh nghiệp phải cạnh tranh quyết liệt với các nước thì lệnh cấm trên càng làm tình hình khó khăn thêm.
 
 
Theo thông báo của Vinafood 1, lần mở thầu này Iraq chỉ mua có 30.000 tấn gạo, hầu hết là gạo thơm và gạo đồ, chỉ mở thầu ngày 20.4 nhưng VFA lại ban hành lệnh cấm đến cuối tháng 7 là quá dài, lấy đi cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp. 
 
 
Hơn nữa, ngay trong ngày 22.4, trang web www.oryza.com đã cập nhật chi tiết giá bỏ thầu của các nước, trong đó mức giá của Thái Lan thấp nhất với 481,98 USD/tấn (CIFFO), Việt Nam là 599,5 USD/tấn. Do vậy, nhiều khả năng Vinafood 1 sẽ không dành được hợp đồng trong gói thầu này nên lệnh cấm trên lại càng không có giá trị.
 
 
Mặc dù bị cấm xuất khẩu như vậy, nhưng trao đổi với phóng viên chiều 24.4, nhiều doanh nghiệp cho rằng đã “lâu lắm rồi” họ không được Vinafood 1 chia lại hợp đồng xuất khẩu gạo mỗi khi họ trúng thầu tại các thị trường tập trung. “Thông thường chúng tôi chỉ được Vinafood 2 chia hợp đồng khi họ tham gia dự thầu ở thị trường Philippines, Indonesia hoặc Malaysia, còn Vinafood 1 thì lâu lắm chưa được chia”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói. 
 
 
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thông tin, các năm trước VFA chỉ thông báo không được xuất khẩu gạo trắng vào thị trường Iraq, Cuba, nhưng không hiểu sao năm nay lại cấm cả việc xuất khẩu gạo thơm, gạo đồ vốn không phải là thế mạnh của Việt Nam.
 
 
Theo Hoàng Bảy
Một thế giới
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *