Việt Nam xuất siêu cao nhất 3 năm

FICA - Uớc tính xuất siêu năm 2014 khoảng 2 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với con số ước tính thì kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 11 năm nay thấp hơn 708 triệu USS đạt 12,8 tỷ USD.

Bước sang tháng 12, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 14 tỷ USD, tăng 9,4% so với tháng trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,4 tỷ USD, tăng 9,5%; khu vực trong nước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 9,3%.

Tính chung năm 2014, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 84,5 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực kinh tế trong nước đạt 63,5 tỷ USD, tăng 10,2%.

Một số mặt hàng phục vụ sản xuất có kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với năm trước như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 22,5 tỷ USD, tăng 20,2%; vải đạt 9,5 tỷ USD, tăng 14%; xăng dầu đạt 7,6 tỷ USD, tăng 9,3%...

Trong khi đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn và tăng là điện tử, máy tính và linh kiện  18,8 tỷ USD, tăng 6%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,7%; ô tô đạt 3,7 tỷ USD, tăng 53,1%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 117,3%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu năm nay, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 135 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2013. Đây vẫn là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 91,2%, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, phụ tùng đạt 55,6 tỷ USD, tăng 10,1% và chiếm 37,6%; nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu đạt 79,4 tỷ USD, tăng 14,3% và chiếm 53,6%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 9,3% và chiếm tỷ trọng 8,8%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 43,7 tỷ USD, tăng 18,2 % so với năm 2013. Một số mặt hàng nhập khẩu từ thị trường này đạt mức tăng cao: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 19,7%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 9,5%; vải các loại tăng 20,7%. Nhập siêu cả năm từ Trung Quốc ước tính đạt 28,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm trước.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập siêu từ các nước ASEAN ước tính 23,1 tỷ USD, tăng 8,2% với xăng dầu các loại tăng 21,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 13,7%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 57,7%. Hàn Quốc đạt 21,7 tỷ USD, tăng 4,9%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 9,5%; vải các loại tăng 6,9%. Nhật Bản đạt 12,7 tỷ USD, tăng 9,4%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 3,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 23,6%. Thị trường EU đạt 8,9 tỷ USD, giảm 5,9% với phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 58,7%; sữa và sản phẩm sữa giảm 17,2%.

Do kim ngạch nhập khẩu thực hiện tháng Mười Một thấp hơn số ước tính 708 triệu USD nên cán cân thương mại tháng 11 được điều chỉnh từ nhập siêu theo ước tính sang xuất siêu 438 triệu USD theo số thực hiện.

Uớc tính xuất siêu năm 2014 khoảng 2 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17 tỷ USD, cao hơn mức 13,7 tỷ USD của năm trước; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15 tỷ USD, cao hơn mức 13,7 tỷ USD của năm 2013.

Mặc dù mức xuất siêu 2 tỷ USD của năm 2014 là mức cao nhất kể từ năm 2012, góp phần ổn định tỷ giá và cung cầu ngoại tệ trên thị trường nhưng hiệu quả mang lại cho nền kinh tế từ xuất, nhập khẩu hàng hóa chưa cao.

Điều này thể hiện rõ qua giá trị gia tăng hàng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thấp với chủ yếu là hàng gia công, chế biến; trong khi khu vực trong nước vẫn nhập siêu mạnh, chứng tỏ sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài của sản xuất và tiêu dùng trong nước, chưa vươn lên để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *