Nghị trường Quốc hội “nóng” chuyện giá điện, xăng dầu

FICA – Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng “nóng” về chuyện kinh doanh giá xăng dầu, cách tính giá điện của EVN…

Chiều nay 10/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Dũng cũng là thành viên Chính phủ đầu tiên nhận câu hỏi và trả lời chất vấn.

Ngay từ đầu phần chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã tập trung yêu cầu Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ về các vấn đề quản lý giá xăng dầu, tạm nhập tái xuất; kết luận của thanh tra Chính phủ về thanh tra Tập đoàn Điện lực (EVN).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

 

Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) cho biết, bà đã nhiều lần lên tiếng trước Quốc hội về những phản ánh của cử tri về thực trạng thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh, nhập nhằng lỗ lãi, về những dấu hiệu lợi ích nhóm trong quản lý thị trường, điều hành giá, kinh doanh xăng dầu. Bộ trưởng Công thương và Tài chính cũng đã trả lời và qui khá nhiều lỗi cho Nghị định 84.

“Từ năm 2011 đến nay, hai Bộ trưởng đã nhiều lần hứa sửa đổi Nghị định này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tôi cũng đã nhiều lần kiên nhẫn đòi nợ lời hứa này nhưng đến hôm nay không có kết quả, điều này cũng đồng nghĩa với việc là những hạn chế nêu trên vẫn tồn tại và thiệt hại nhất vẫn là người tiêu dùng. Cách sửa Nghị định này cũng rất khó hiểu, cứ mấy tháng lại đưa ra bàn một lần xong lại để đấy. Sát kỳ họp này lại đưa ra bàn và nhất là lại có một đề xuất chuyển quyền điều hành giá xăng dầu hoàn toàn về Bộ Công Thương, làm nặng nề thêm tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi của Bộ Công Thương.

Xin hỏi hai Bộ trưởng về trách nhiệm không thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước về việc không thực hiện đúng tiến độ sửa đổi Nghị định 84, nhất là trong điều kiện yêu cầu sớm hoàn thiện thể chế để phục vụ phát triển kinh tế thị trường?”, đại biểu Nga đặt câu hỏi.

Đáp lại câu hỏi của đại biểu Nga, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Vừa qua trong điều hành Nghi định 84 cơ bản đáp ứng yêu cầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước. 1 năm gần đây, việc điều hành xăng dầu cơ bản theo thị trường và người dân cũng đã quen với việc giá xăng dầu điều chỉnh lên - xuống.

“Chúng ta cũng đã rút được cách điều hành giật cục, như có lúc cần kiềm chế lạm phát, lẽ ra giá tăng nhưng do phải giữ giá thấp nên khi “thả” giá xăng tăng cao giật cục. Thế nên nó tác động lan tỏa gây lạm phát cao, còn thời gian vừa qua việc điều hành theo Nghị định 84 đã tránh cú sốc về giá cả”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Cũng theo nhận định của Bộ trưởng Dũng, trong Nghị định 84, Quỹ bình ổn đã có tác dụng tốt trong điều hành giá. Là người từng làm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Dũng cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo chuyên đề về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và thấy Quỹ phát huy tốt tác dụng của nó trong việc bình ổn giá. Và trong 5 tháng đầu năm nay,  Bộ cũng triệt để sử dụng Quỹ bình ổn để điều hành giá xăng dầu và từ quý 3/2014, Bộ cũng thực hiện công khai định kỳ về quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho biết, việc sửa Nghị định 84 là cần thiết nhằm điều hành giá xăng dầu mềm dẻo, sát thực tế hơn. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, Bộ Tài chính phối hợp, hai Bộ sẽ chỉnh sửa lần cuối trước khi báo cáo Chính phủ xem xét. Theo đó, nội dung Nghị định 84 thời gian tới sẽ được sửa đổi và ban hành sớm theo hướng sát diễn biến thị trường hơn.

Cho rằng, việc chuyển điều hành giá xăng dầu sang Bộ Công Thương là “bình thường” và đúng với Luật Quản lý Giá. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, Bộ Tài chính vẫn song hành, tham gia cùng Bộ Công Thương.

Theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói rõ hơn về việc điều hành giá xăng dầu hiện nay. Theo Bộ trưởng, trên thực tế, Nghị định 84 vận hành mang lại nhiều kết quả, tạo tiền lệ thuận lợi thực hiện chủ trương giá trị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định có phát sinh cần xem xét điều chỉnh bổ sung, làm sao cơ chế bám sát tín hiệu thị trường hơn, tạo điều kiện thuận lợi trong cạnh tranh, mang lại lợi ích người tiêu dùng.

Hiện các Bộ ngành liên quan đã nghiên cứu một cách cẩn trọng, cần thấy xem xét toàn diện để khi sửa đổi Nghị định này khắc phục được những bất cập như bám sát diễn biến thị trường thế giới (tần suất điều chỉnh, thời gian điều chỉnh giá cơ sở ngắn hơn); tạo điện kiện cạnh tranh, tránh độc quyền kinh doanh xăng dầu, thiết kế mạng lưới rộng khắp; Sử dụng hiệu quả hơn Quỹ Bình ổn…

“Bộ Công Thương xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc chậm ban hành Nghị định và hứa sau khi Chính phủ xem xét tờ trình sẽ sớm ban hành Nghị định thay thế”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng .

Về trách nhiệm quản lý giá xăng dầu vừa được Bộ Tài chính trình với Chính phủ giao cho Bộ Công Thương, Bộ trưởng Hoàng thẳng thắn nói: “Bản thân Bộ Công Thương không muốn việc chuyển này. Chúng tôi vẫn muốn duy trì và đề xuất Chính phủ duy trì việc Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì việc điều hành giá và Bộ Công Thương phối hợp như hiện nay. Thật ra, Bộ Tài chính cũng không phải là cơ quan quyết định giá xăng dầu, đây là cơ chế liên ngành chứ không phải một bộ quyết định được. Chúng tôi chấp hành quyết định của Chính phủ nếu phân công chúng tôi làm đầu mối trong điều hành giá, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về cách tính giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay: Thời gian qua, Chính phủ có giao cho Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương và Xây dựng rà soát chi phí xây dựng nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện. Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, trong đó có đề nghị hướng dẫn EVN đưa chi phí khấu hao của nhà khách chuyên gia, nhà quản lý vận hành điện… đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh của giá điện; trường hợp nhà ở trực tiếp cho người lao động có thu tiền thuê, số tiền thu được thì hạch toán giảm chi phí giá thành của điện.

Còn chi phí khấu hao của nhà đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề nhà chung cư mà EVN cho cán bộ công nhân thuê thì không được hạch toán đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh của điện. EVN phải xác định đơn giá cho thuê các loại nhà này và EVN phải thu hồi, hạch toán riêng khoản thu hồi này.

Về chi phí đầu tư công trình phục vụ cho công trình phúc lợi như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis, EVN phải yêu cầu các đơn vị thành viên sử dụng quỹ phúc lợi và các nguồn tài trợ hợp pháp khác để tính vào chi phí đầu tư và đặc biệt không được tính chi phí khấu hao để đưa vào tính giá thành của điện. Hiện Bộ cũng đã có đề nghị EVN xây dựng quy chế sử dụng nhà khách, nhà ở, trong khu nhà quản lý vận hành, quy định rõ điều kiện tiêu chuẩn, định mức.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *