Chi trả nợ 6 tháng đầu năm: ước đạt 60,9 nghìn tỷ đồng

FICA-Chi trả nợ 6 tháng đầu năm ước đạt 60,9 nghìn tỷ đồng, bằng 50,7% dự toán, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2013, đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời các khoản nợ đến hạn.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 413,6 nghìn tỷ đồng, đạt 52,8% dự toán, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong đó, thu nội địa đạt 280,65 nghìn tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2013. Ước tính có 11/14 khoản thu, sắc thuế thu đạt tiến độ dự toán (từ 50% dự toán trở lên); 3/14 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn 50% yêu cầu tiến độ dự toán (dưới 50% dự toán).

Ước tính có 44/63 địa phương có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 50%), 19/63 địa phương thu đạt dưới 50% dự toán. So với cùng kỳ năm 2013, có 49/63 địa phương thu cao hơn, 14 địa phương thu thấp hơn.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sở dĩ kết quả thu đạt khá chủ yếu nhờ các yếu tố như: Chuyển biến tích cực của nền kinh tế, hoạt động của nhiều doanh nghiệp phục hồi và phát triển , nhất là trong các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, ô tô, dầu khí,... làm tăng nguồn thu ngân sách; Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết tâm của các bộ, ngành và đặc biệt là của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, từ đó tạo điều kiện cho công tác thu NSNN…

Cùng với đó, ngành thuế cũng đã thu được từ dầu thô 54,4 nghìn tỷ đồng, bằng 63,9% dự toán (giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2013 ) và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 77 nghìn tỷ đồng (bằng 50% dự toán, tăng 27% cùng kỳ năm 2013), trên cơ sở tổng số thu về xuất nhập khẩu đạt 116 nghìn tỷ đồng (51,8% dự toán), hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 39 nghìn tỷ đồng (55,7% dự toán).

Ngược lại, 6 tháng đầu năm, chi ngân sách Nhà nước chiếm tới 492,4 nghìn tỷ đồng, bằng 48,9% dự toán, tăng  8,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, nguồn ngân sách đã dành ra được 60,9 nghìn tỷ đồng để chi trả nợ. Con số này bằng 50,7% dự toán, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2013, đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời các khoản nợ đến hạn.

Về cân đối ngân sách, bội chi NSNN 6 tháng đầu năm ước 78,8 nghìn tỷ đồng, bằng 35,2% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm. Số bội chi được bù đắp bằng vay trong nước và vay ngoài nước theo kế hoạch.

Đến hết ngày 30/6/2014 đã triển khai huy động được 196,5 nghìn tỷ đồng, bằng 60,6% yêu cầu huy động cả năm để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển. Nhờ tình hình thị trường thuận lợi, kết hợp với việc triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu năm, nên kết quả huy động trái phiếu Chính phủ từ đầu năm đến nay nhìn chung khả quan (đạt 62,3% kế hoạch năm), với lãi suất tương đối ổn định; tỷ trọng TPCP kỳ hạn trên 5 năm trong tổng số phát hành đang từng bước tăng lên, tạo điều kiện cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực chi trả nợ trong ngắn hạn.

Số liệu từ Bộ Tài chính cũng cho biết, đến tháng 6/2014, cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra gần 21 nghìn doanh nghiệp, tăng 64,3% so với cùng kỳ năm 2013; tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 4 nghìn tỷ đồng, tăng 80,8% so với cùng kỳ; thu và xử lý được trên 17 nghìn tỷ đồng nợ thuế tại thời điểm 31/12/2013 chuyển sang năm 2014, đạt 29% tổng số nợ.

Cơ quan Hải quan, thông qua hệ thống quản lý rủi ro, đã thực hiện kiểm tra sơ bộ đối với trên 1,3 triệu tờ khai (chiếm 61,4% tổng số tờ khai), kiểm tra chi tiết đối với 610 nghìn tờ khai (chiếm 27,8% tổng số tờ khai) và kiểm tra thực tế hàng hóa đối với 237 nghìn tờ khai (chiếm 10,8% tổng số tờ khai); đã phát hiện, bắt giữ và xử lý trên 8,9 nghìn vụ việc vi phạm, với trị giá hàng hóa khoảng 146 tỷ đồng.

Về công tác quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện vay, trả nợ năm 2013 và kế hoạch năm 2014; hạn mức vay thương mại nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh năm 2014; phương án tái cơ cấu nợ gốc trái phiếu quốc tế...

Đến hết năm 2013, dư nợ công bằng 54,1%GDP; dư nợ Chính phủ bằng 42,2%GDP, dư nợ ngoài nước bằng 37,2%GDP  vẫn trong giới hạn nợ cho phép (theo Chiến lược quản lý nợ công thì nợ công không quá 65%GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP). Trong cơ cấu nợ công, dư nợ Chính phủ chiếm 78,0%, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 20,4% và dư nợ chính quyền địa phương chiếm 1,6%.

Về nguồn vay, dư nợ vay trong nước chiếm 51%, dư nợ vay ngoài nước chiếm 49%; đối với nợ của Chính phủ, nợ trong nước chiếm khoảng 49,6%, nợ nước ngoài chiếm 50,4% (kỳ hạn trung bình khoảng 12-13 năm, chủ yếu là vay ODA, lãi suất ưu đãi).

An Hạ

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *