Canada: Miền đất hứa “khó nhằn” với hàng xuất khẩu Việt

FICA - Với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm khoảng gần 500 tỷ USD, Canada là một thị trường hết sức hấp dẫn nhưng cùng với đó là sự cạnh tranh hết sức khốc liệt, giữa bối cảnh hệ thống luật thương mại nước này tương đối phức tạp, hệ thống kiểm soát chất lượng lại chặt chẽ.

Theo Vụ Thị trường châu Mỹ - Bộ Công thương, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada trong những năm gần đây có xu hướng tăng (trừ hai năm 2008 và 2009 bị giảm sút do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu).

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt 1,16 tỷ USD, tăng khoảng 23%, cao hơn tốc độ tăng trưởng sang Mỹ (15,6%) và ngang bằng với tăng trưởng sang EU (23,2%).

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada vẫn là các mặt hàng truyền thống có lợi thế như: dệt may (chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Canada – số liệu năm 2012), giầy dép (11,5 %), thủy hải sản (11,3 %), hạt điều (4,4%), đồ gỗ và sản phẩm gỗ (9,7%).

Xuất khẩu của Việt Nam sang Canada năm 2014 vượt ngưỡng 2 tỷ USD khoảng hơn 2,08 tỷ USD tăng khoảng 35 % so với năm 2013. Trong đó, mặt hàng chủ lực là dệt may có tổng kim ngạch 492 triệu USD, chiếm 23,6% tổng kim ngạch xuất khẩu sang nước này. Tỷ trọng này đã giảm so với năm 2013. Mặt hàng thủy sản có kim ngạch 263 triệu USD, chiếm tỷ trọng 12,6% (tăng so với 2013).

Dự kiến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada sẽ tăng khoảng 40% so với năm 2014 đạt mức 2,88 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của Canada vào Việt Nam còn thấp. Năm 2013, nhập khẩu từ Canada đạt 406 triệu USD giảm 11,7% so với năm 2012 (theo số liệu Hải quan Việt Nam). Mặt hàng Việt Nam nhập từ Canada chủ yếu vẫn là thủy sản; lúa mỳ; phân bón các loại; đá quý; máy móc phụ tùng và thức ăn gia súc

Thị trường tiềm năng nhưng phức tạp

Trong thương mại song phương, Việt Nam luôn xuất siêu sang Canada với xu thế kim ngạch năm sau cao hơn năm trước. Hàng hoá có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào Canada hiện vẫn đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GPT) / (GSP) của Canada. Tương tự, hàng hoá có xuất xứ Canada xuất sang Việt Nam được hưởng chế độ thuế tối huệ quốc (MFN). Vị thế thương mại của Việt Nam ở thị trường Canada trong những năm gần đây liên tục được cải thiện.

Doanh nghiệp Canada ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm của Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn cung thay thế dần các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể trong thời gian gần đây có xu hướng chuyển sang nhập khẩu từ Việt Nam: Đồ chơi trẻ em, may mặc, cơ khí, địa tử, cửa kính khung nhôm, văn phòng phẩm.

Tuy nhiên, Canada tập trung buôn bán với một số đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản ... Ở Châu Á, ngoài Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, các doanh nghiệp Canada còn quan tâm đến thị trường Thái Lan, Philippines và Singapore nhiều hơn so với Việt Nam.

Hệ thống luật thương mại của Canada tương đối phức tạp. Hàng nhập khẩu vào Canada phải chịu sự điều tiết của luật liên bang và luật nội bang. Các luật này nhiều khi không thống nhất (nhất là đối với bang Québec). Trong khi đó sự am hiểu về luật của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn nhiều hạn chế.

Canada là một trong số những nước có hệ thống kiểm soát chất lượng vào loại chặt chẽ nhất trên thế giới, đặc biệt là đối với hàng thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài yêu cầu về chất lượng nói chung, yêu cầu về bao bì đóng gói, ký mã hiệu, ngôn ngữ ghì trên bao bì... cũng hết sức nghiêm ngặt và phức tạp.

Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng ít chú trọng đến thị trường Canada mà chủ yếu tập trung vào thị trường Mỹ, đồng thời chưa thấy hết được tính thống nhất của thị trường Bắc Mỹ nói chung.

Cho đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa tiếp cận được các kênh phân phối lớn của Canada, rất nhiều mặt hàng đã có mặt tại Canada nhưng phải qua công ty trung gian của nước thứ ba.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada thường gặp những trở ngại trong khâu thanh toán. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thường yêu cầu thanh toán theo phương thức tín dụng L/C không hủy ngang, thanh toán ngay khi xuất trình đầy đủ bộ chứng từ phù hợp với qui định trong L/C cho ngân hàng. Tuy nhiên các doanh nghiệp Canada thích sử dụng phương thức thanh toán khác như D/P (nhờ thu trả ngay- Documents agaist Payment), D/A (Nhờ thu trả chậm - Documents agaist acceptance)... để đỡ tốn kém và ít rủi ro hơn. Đây là thói quen thanh toán của các doanh nghiệp Bắc Mỹ nói chung; nhất là đối với hàng thực phẩm, các doanh nghiệp Canada chỉ chấp nhận thanh toán khi có sự đồng ý cho phép nhập khẩu của Cục Kiểm tra Thực phẩm Canada (CFIA).

Tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Canada chưa cao do các yếu tố về giá cả, mẫu mã, chất lượng và khoảng cách địa lý.

Với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm khoảng gần 500 tỷ USD, Canada là một thị trường hết sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới kể cả đối với doanh nghiệp Việt Nam. Sự hấp dẫn này cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh rất khốc liệt. Kim ngạch của Việt nam xuất sang Canada năm 2013 chỉ chiếm 0,34 % tổng nhập khẩu của nước này (471 tỷ USD theo Cia factbook). Canada là thị trường nhiều tiềm năng với Việt Nam, Vụ Thị trường châu Mỹ cho rằng, Việt Nam cần có những biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ trong giai đoạn này để tăng kim ngạch thương mại hai chiều tương xứng với kỳ vọng của hai nước.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *