Thời sự 29/03/2019 00:21

Trung Quốc rót gần nửa tổng vốn vào cao tốc Bắc - Nam

Một trong những dự án ưu tiên của nước ta là tuyến đường cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư 118,7 nghìn tỷ đồng (5,3 tỷ USD), và gần một nửa số này được vay của Trung Quốc.

Tuy nhiên, lãi suất của Trung Quốc là một trong những mức cao nhất và đi kèm với một số khoản phí khác. Các công ty Trung Quốc giành được dự án này bằng cách trả giá thấp hơn những bên khác, nhưng chi phí lại đã tăng lên gấp bội do tiến độ chậm trễ quá nhiều.

Càng ngày, các nước châu Á càng lo lắng bởi chính sách bẫy nợ của Trung Quốc.

Theo Asia News, Trung Quốc đã và đang hướng đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam. Điều này đang khiến các chuyên gia lo ngại rằng Việt Nam có thể rơi vào bẫy nợ và phải trả giá cho những thiếu sót của mô hình phát triển của Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, tuyến cao tốc Bắc – Nam là một trường hợp điển hình.

Dự án đường cao tốc Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.811 km, trải dài qua 13 tỉnh thành với điểm đầu là nút giao Pháp Vân (Hà Nội) và điểm cuối là nút giao Chà Và (Cần Thơ).

Theo kế hoạch của Quốc hội, dự án này cần hoàn thành vào năm 2021 với chi phí 118,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 55 nghìn tỷ đồng (2,5 tỷ USD) sẽ đến từ Trung Quốc, trong khi 63 nghìn tỷ đồng (2,8 tỷ USD) sẽ được cung cấp bởi Chính phủ Trung ương.

Vì cao tốc Bắc-Nam là tuyến đường huyết mạch Việt Nam, nên ông Phạm V., thành viên của Ủy ban Pháp lý Quốc hội, gần đây đã khuyên chính quyền nên xem xét cẩn thận các nhà thầu Trung Quốc.

Đáng nói, không phải chỉ mình ông V. bận tâm về điều này. Càng ngày, các nước châu Á càng lo lắng bởi chính sách bẫy nợ của Trung Quốc. Càng ngày, càng có nhiều nhà lãnh đạo châu Á tin rằng mô hình kinh doanh của Bắc Kinh, trong đó có Sáng kiến ​“​Vành đai, Con đường” (BRI), đe dọa lợi ích quốc gia của họ.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây đã lưu ý rằng các khoản vay của Trung Quốc có lãi suất hàng năm là 3% so với từ 0 - 2% khi vay của Hàn Quốc và các khoản vay từ Ấn Độ chỉ có mức lãi 1,7%.

Theo ông V., Việt Nam chưa bao giờ lâm vào bẫy nợ như hiện nay. Tuy nhiên, đất nước giờ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro từ các dự án đầu tư của Trung Quốc.

Các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc đi kèm với "hoa hồng cam kết" là 0,5%. Đáng nói, các khoản vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc được phát hành thông qua Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý rằng các dự án được tài trợ bởi các khoản vay của Trung Quốc, sử dụng thiết bị và công nhân Trung Quốc, cho thấy tiến độ chậm mà không đảm bảo chất lượng, đẩy chi phí lên và giảm hiệu quả đầu tư.

Vì lý do này, các công ty Việt Nam thường được yêu cầu hoàn thành tiếp những dự án do các công ty Trung Quốc trúng thầu.

Bằng cách vay nợ Trung Quốc, Việt Nam bắt buộc phải chấp nhận các công ty từ bên kia biên giới thực hiện dự án. Đây là một điều kiện không thể thương lượng của bất kỳ thỏa thuận nào.

TS. Lê, một nhà kinh tế học nổi tiếng của Việt Nam, cũng muốn chính phủ xem xét lại các điều luật về đầu tư và đấu thầu.

"Vì Luật Đấu thầu của Việt Nam ưu tiên cho những người trả giá thấp, nên các nhà thầu Trung Quốc thường trả giá rất thấp, vì vậy họ luôn thắng thầu. Sau khi họ thắng thầu, họ sẽ kéo dài thời gian xây dựng. Tất nhiên, các dự án này hoặc công trình sẽ tăng giá gấp nhiều lần giá gốc”, ông Lê nói.

Một ví dụ là tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, dựa trên một thỏa thuận đạt được vào năm 2008 có nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc là 419 triệu USD và vốn của Chính phủ Việt Nam là 133 triệu USD.

Tuy nhiên, vì quá chậm tiến độ, tổng chi phí dự án đã lên tới 891 triệu USD.

Hơn nữa, trước đó, tuyến đường sắt này được cho là sẽ hoạt động vào năm 2014 nhưng tới nay là tháng 3/2019, vẫn chưa có chuyến tàu nào chạy để thu lại lợi ích kinh tế.

Hồng Vân (Tổng hợp)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *