Thời sự 31/01/2014 08:10

Thống đốc: "Nếu thấy chính sách đã đúng, phải kiên định"

FICA - "Đối với người làm công tác quản lý phải nhận định được đâu là giải pháp đúng, khi nhận định được giải pháp đúng rồi phải kiên định với giải pháp đó không được chao đảo bởi các ý kiến do hiểu chưa đầy đủ hoặc do lợi ích nhóm nêu ra".

Thống đốc Nguyễn Văn Bình

"Thực tiễn thời gian vừa qua thấy rằng nếu kiên định đi theo các giải pháp hoạch định thì sẽ đạt được kết quả và nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội” - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ trong cuộc trò chuyện đầu năm 2014 với báo giới.

 

Thưa Thống đốc, sức ép với công tác điều hành của NHNN trong năm 2013 là gì?

 

Trong những năm qua, sức ép đối với NHNN nói riêng, hệ thống ngân hàng nói chung từ cả hai phía, từ khách hàng (doanh nghiệp, người dân) và yêu cầu quản lý vĩ mô.

 

Doanh nghiệp và người dân muốn mau chóng giảm lãi suất, ổn định được tỷ giá, tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng. Quản lý vĩ mô có áp lực phải kiểm soát lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012…

Các nhu cầu đặt ra mâu thuẫn lẫn nhau, khi lạm phát còn cao thì khó giảm lãi suất, hệ thống NH khó huy động tiền trong dân và lãi suất cho vay còn rất cao. Để giải quyết các mâu thuẫn đó, NHNN phải xử lý khôn khéo và kiên định.

Ví dụ như công tác quản lý thị trường vàng. Xã hội mong muốn làm sao giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới nhưng trong bối cảnh giá vàng thế giới có sự lên xuống thất thường thì giá vàng trong nước sẽ liên tục biến động, là động lực cho giới đầu cơ “tạo sóng” để trục lợi.

Để làm thị trường ổn định, giá vàng trong nước tương đối ổn định và không có cơn sốt như trước đây thì trong những thời điểm nhất định phải chấp nhận giá vàng trong nước và thế giới còn có chênh lệch. Khi giá vàng trong nước và thế giới ổn định thì có thể làm giá vàng trong nước và thế giới gặp nhau.

 

Năm qua, các nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đã được phê duyệt tại Đề án xử lý nợ xấu qua có phát huy hiệu quả không, thưa Thống đốc?

 

Trước hết phải thừa nhận rằng nợ xấu phát sinh bắt nguồn từ nguyên nhân quan trọng là những khó khăn của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn xác định, để xử lý nợ xấu trước tiên phải phát huy nội lực của bản thân hệ thống các tổ chức tín dụng, bởi vì trong hoàn cảnh nền kinh tế và thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nước ta không thể áp dụng biện pháp xử lý nợ xấu bằng nguồn ngân sách nhà nước như Chính phủ nhiều nước trên thế giới thường sử dụng.

Trước khi Đề án xử lý nợ xấu tổng thể được phê duyệt, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp xử lý nợ xấu, trong đó việc cơ cấu lại các khoản nợ theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN đã giúp cho các khách hàng vay vốn duy trì sản xuất, kinh doanh, tiếp tục tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, từng bước phục hồi và vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế. Đây là biện pháp xử lý cần thiết để giúp cả ngân hàng và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

 

Giải pháp xử lý nợ xấu thông qua VAMC là giải pháp đặc thù của Việt Nam. Dù không sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước nhưng VAMC có đủ cơ chế, năng lực xử lý một khối lượng lớn nợ xấu với cách thức xử lý theo hướng chuyên nghiệp và thực tế.

Tôi khẳng định rằng, 5 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đồng bộ đã được phê duyệt tại Đề án xử lý nợ xấu là đúng hướng, phù hợp với điều kiện Việt Nam và đang được triển khai tích cực, do đó kết quả xử lý nợ xấu trong thời gian tới sẽ được cải thiện mạnh mẽ.

 

Quan điểm của NHNN về công bố nợ xấu?  Liệu NHNN có tiếp tục hoãn việc thực hiện Thông tư 02?

Việc công bố tỷ lệ nợ xấu là yêu cầu bắt buộc đối với hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, từ góc độ khác nhau. Có số liệu báo cáo của tổ chức tín dụng (TCTD), số liệu nợ xấu theo kết quả giám sát của NHNN…

Những số này NHNN đều báo cáo với Chính phủ, trước Quốc hội. Bên cạnh đó có số liệu đánh giá của các tổ chức khác và tổ chức quốc tế…

Quan điểm của NHNN cần phải công khai, minh  bạch số nợ xấu để thấy rõ thực chất vấn đề, từ đó mới có giải pháp triển khai đúng.

Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp cận tốt chuẩn mực thông lệ quốc tế, nhưng một số yêu cầu quy định trong Thông tư 02 còn hơi cao so tình hình tài chính của các TCTD và các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Nhưng để tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, NHNN quyết định vẫn giữ nguyên lộ trình triển khai  thực hiện Thông tư 02 từ 1/6/2014. Tuy nhiên, có một số nội dung NHNN sẽ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

           

Chính phủ đã xác định đẩy  mạnh tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014. Đối với ngành ngân hàng, quan điểm của Thống đốc về ý kiến nêu trên như thế nào?

 

Tôi hoàn toàn nhất trí với chỉ đạo đó của Chính phủ. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn, kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng; chính trị xã hội ổn định; kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành được nâng lên...

Đối với ngành Ngân hàng, bên cạnh việc điều hành có kết quả chính sách tiền tệ, thời gian qua đã rất nỗ lực triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD và kết quả tái cơ cấu được Quốc hội đánh giá là điểm sáng hơn cả trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Nhờ đó đã ngăn chặn được nguy cơ đổ vỡ hàng loạt của các ngân hàng yếu kém, thanh khoản được cải thiện, hoạt động của hệ thống ngân hàng nằm trong tầm kiểm soát của NHNN, các TCTD đều đang rất nỗ lực tự nguyện tái cấu trúc để vượt qua những hạn chế, yếu kém và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tái cơ cấu các TCTD hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc huy động các nguồn lực và tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành để tham gia tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD cần phải có thêm thời gian. Khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại các TCTD nói chung chưa hoàn thiện.

Việc xử lý các TCTD yếu kém là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm và cần khoảng thời gian nhất định. Năm 2014, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu theo các đề án đã được Bộ Chính trị và Chính phủ phê duyệt, tiếp tục đóng góp tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế.

 

Điều hành chính sách của NHNN phức tạp và động chạm, không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận xã hội, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

 

Tôi cho rằng dư luận xã hội luôn có nhiều chiều. Bên cạnh những đồng thuận là cơ bản, đôi khi còn những ý kiến chưa thật sự khách quan, chí công vô tư,  đôi khi chỉ là quan điểm của nhóm lợi ích trong xã hội.

Đối với người làm công tác quản lý phải nhận định được đâu là giải pháp đúng, khi nhận định được giải pháp đúng rồi phải kiên định với giải pháp đó không được chao đảo bởi các ý kiến do hiểu chưa đầy đủ hoặc do lợi ích nhóm nêu ra.Thực tiễn thời gian vừa qua thấy rằng nếu kiên định đi theo các giải pháp hoạch định thì sẽ đạt được kết quả và tạo ra sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội.

           

Vậy NHNN sẽ tiếp tục làm gì để tạo đồng thuận? Công khai, minh bạch, rõ ràng là yêu cầu bắt buộc trong điều hành chính sách tiền tệ. Vì chính chính tiền tệ là huyết mạch của cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến mọi thành phần trong xã hội. Do vậy, nếu người dân, doanh nghiệp được hiểu ra vấn đề, kể cả những vấn đề hết sức khóe khăn và đã chuẩn bị sẵn tư tưởng đón nhận thì khi xảy ra người ta không bị sốc, bị hoang mang. Do vậy, tiêu chí công khai – minh bạch – rõ ràng và định hướng là hết sức quan trọng trong hoạt động của ngân hàng trung ương của bất kỳ nước nào. Trong những năm vừa qua, NHNN đã đẩy mạnh công tác truyền thông theo hướng này, và đã đạt được những kết quả nhất định. Khả năng dự báo, khả năng hoạch định chính sách, khả năng dẫn dắt thị trường của NHNN đã theo đúng với tiêu chí, mục tiêu đặt ra.  

Từ đó tạo thêm được niềm tin và ủng hộ của xã hội. Trên cơ sở như vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục công khai, minh bạch, rõ ràng và định hướng nhiều hơn cho hoạt động của chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

 Xin cảm ơn Thống đốc, câu hỏi cuối cùng là trong điều hành chính sách năm 2014, nên đặc biệt ưu tiên vấn đề gì ?

           

Nội dung có ý nghĩa đặc biệt và đặc trung cho năm 2014 đó là làm sao có sự phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu tạo thêm nguồn lực ngân sách, tăng tổng cầu xã hội. 

 

Hồng Kỹ

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *