Thời sự 13/07/2021 10:36

Rủi ro lộ thông tin cá nhân khi giao dịch online

Đại dịch Covid-19 hoành hành làm thay đổi thói quen của phần lớn người tiêu dùng. Theo đó, từ thói quen mua sắm, thanh toán trực tiếp với người bán, người tiêu dùng dần chuyển sang các dịch vụ trực tuyến. Tuy nhiên, theo cảnh báo của giới chuyên gia, người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến sẽ dễ gặp phải những rủi ro về rò rỉ thông tin cá nhân.

Nhiều cuộc điện thoại mời chào người tiêu dùng

Theo chia sẻ của chị Lê Thị Vân Anh (Ô Chợ Dừa, Hà Nội), gần đây chị nhận được rất nhiều cuộc điện thoại mời chào mua bất động sản, mua bảo hiểm, tham gia các chương trình, câu lạc bộ thể dục thể thao, hoặc những cuộc điện thoại mời tham gia các lớp học tiếng Anh... Gần đây nhất, chị Vân Anh còn nhận được những cuộc điện thoại thông báo chị chưa thanh toán tiền điện, nước... trong khi đó, chị Vân Anh cho biết, vừa thanh toán trước đó một ngày.

 

Trường hợp của chị Lê Thị Vân Anh chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp người tiêu dùng đang bị làm phiền bởi các cuộc điện thoại mời chào của hàng loạt các đối tượng bao gồm hổ lốn các dịch vụ, từ việc đầu tư tài chính cho đến các dịch vụ làm đẹp, giáo dục, sức khỏe, thanh toán cước phí các dịch vụ thiết yếu...  Điều đó cho thấy, càng ngày việc bảo mật thông tin của người tiêu dùng càng trở nên mong manh.

Trên thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, người dân không có cách nào khác phải thay đổi thói quen của mình, từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Đó cũng là xu hướng tất yếu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.  Báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, trong năm 2020 (năm đầu tiên bùng phát dịch Covid-19), có đến 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đưa thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng 18%. Từ đầu năm 2021 đến nay, 6 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam đã tham gia xây dựng Gian hàng Việt trực tuyến. Những động thái này tiếp tục là đòn bẩy để thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi giao dịch trực tuyến

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà giao dịch trực tuyến mang lại, cũng đang bộc lộ những điểm bất ổn. Và việc thông tin cá nhân của các khách hàng bị rò rỉ là một trong những điều nhà quản lý cần lưu tâm. Rất nhiều trường hợp người dân khi nghe những cuộc điện thoại yêu cầu chuyển khoản chi phí tiền các dịch vụ như điện, nước... hoặc mời chào mua bán các gói bảo hiểm, gói làm đẹp... đã không ngần ngại bỏ tiền ra để rồi nhận kết cục mất trắng. Thậm chí có tình trạng, người dân bị lừa “bay sạch” hàng trăm triệu đồng tiền gửi ngân hàng. Đó là những hệ lụy do thông tin cá nhân của người tiêu dùng không được bảo mật.

Để hạn chế những rủi ro này, giúp người tiêu dùng bảo vệ tài sản cũng như thông tin của bản thân, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã liên tục cảnh báo nguy cơ rủi ro và đưa ra những lưu ý để người tiêu dùng được bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia các giao dịch trực tuyến. Cụ thể, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, các dịch vụ cần đảm bảo môi trường giao dịch an toàn. Các phương tiện công nghệ thông tin sử dụng để kết nối trực tuyến như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh... cần đảm bảo các yếu tố an toàn, có khả năng phòng chống các nguy cơ bị trộm thông tin cá nhân. “Việc cập nhật các ứng dụng (update) phần mềm sử dụng là một tróng những việc mà người sử dụng các thiết bị máy tính, điện thoại thông minh cần làm để có thể bảo đảm thông tin cá nhân không bị lộ. Bên cạnh đó, thực hiện cài đặt mật khẩu mạnh, đồng thời cài đặt chế độ xác thực nhiều lớp cho tài khoản như zalo, facebook, gmail... góp phần đảm bảo tính an toàn cao nhất cho các tài khoản cá nhân” – Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý.

Đáng chú ý, cơ quan này cũng khuyến cáo, người sử dụng không tùy ý cài đặt các phần mềm, ứng dụng của bên thứ ba để phòng ngừa nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu; không truy cập vào các đường link lạ để tránh thấp nhất nguy cơ thông tin bị lộ. Đặc biệt, theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, với việc mua hàng hóa thanh toán không trực tiếp gặp mặt, người tiêu dùng cần chọn những thương hiệu, nhãn hàng uy tín. “Trường hợp cần thực hiện giao dịch trên website hoặc ứng dụng lạ, người tiêu dùng nên kiểm tra chính sách bảo vệ thông tin của đơn vị đó có được công bố công khai và đầy đủ theo quy định tại Điều 6 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay không” – Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh.

Thế Hưng

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *