Thời sự 05/11/2013 11:10

Nợ xấu ngân hàng “níu chân” tiêu thụ nội địa

FICA - Theo đánh giá của HSBC, trong khi lĩnh vực xuất khẩu đã cảm nhận được lực đẩy từ nhu cầu nước ngoài, nhu cầu trong nước vẫn còn bị ảnh hưởng bởi hệ thống ngân hàng đang bị đóng băng làm giảm nhu cầu tiêu thụ.

 

 

Tín dụng ngân hàng tăng chậm.

Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam. Theo đánh giá của HSBC, lạm phát trong tháng 10 đã chậm lại ở mức 5,9% so với mức 6,3% trong tháng 9, nguyên nhân do giá xăng dầu đã giảm trong khi giá cả thực phẩm tăng.

“Chúng tôi nhận định nhu cầu nội địa yếu và giá dầu ổn định sẽ giữ lạm phát ở mức thấp từ nay đến cuối năm; còn tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp do khối lượng nợ xấu lớn vẫn chưa được giải quyết”, HSCB cho hay.

Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng ở mức 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá của HSBC, điều này cho thấy vấn đề nợ xấu của Việt Nam vẫn còn chưa được giải quyết hoàn, toàn mặt dù Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) đang rất nỗ lực trong việc mua lại nợ xấu từ các ngân hàng. Kết quả là dẫn đến việc cho vay yếu và làm ảnh hưởng đến mức độ lạc quan của khối doanh nghiệp tư nhân.

Dù vậy, nền kinh tế vẫn đang vận hành khá tốt. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn với tiền tệ, lạm phát và các yếu tố bên ngoài bền vững hơn. Việt Nam đang thực hiện các biện pháp kiểm soát và tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại tệ.

Trong đó, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành Sản xuất (PMI) của Việt Nam trong tháng 10 giữ mức 51,5 điểm - vẫn ở trên ngưỡng 50 điểm trong hai tháng liên tiếp. Sản lượng, đơn hàng mới, nhân công việc làm và số lượng hàng mua đều tăng. Giá cả đầu vào giảm phản ánh tình hình lạm phát đã giảm tốc từ mức 6,3% trong tháng 9 xuống còn 5,9% trong tháng 10.

Cùng với đó, nguồn FDI “chảy” mạnh vào Việt Nam cung cấp nguồn vốn đáng kể và bền vững, giúp Chính phủ có thời gian để tập trung vào những chính sách giải quyết những khoản nợ xấu đã tích tụ từ lâu. Thêm nữa, Chính phủ cũng cần phải giải quyết những vấn đề chính yếu như vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế cũng như hệ thống hạ tầng và nguồn lực con người. Thúc đẩy mối liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài cũng rất quan trọng vì năng lực cạnh tranh dựa vào lao động không thể nào tồn tại mãi mãi và đặc điểm này sẽ mất đi khi mức lương tăng lên.

Trong tương lai gần, người tiêu dùng có tăng tiêu xài và các doanh nghiệp có tăng hoạt động đầu tư lên hay thì sẽ phụ thuộc vào những tín hiệu mà Chính phủ đã cam kết thực hiện trong việc phát triển một nền kinh tế hiệu quả hơn. Việc cải tổ càng diễn ra nhanh chóng thì Việt Nam càng nhanh chóng có cơ hội tận hưởng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.

“Trong khi những điều tồi tệ nhất về một nền kinh tế trì trệ dường như đã được vượt qua, tăng trưởng trong ngắn hạn vẫn còn thấp do nhu cầu nội địa còn chậm chạp. Tăng trưởng cả năm 2013 đang được kỳ vọng ở mức 5,2%, mức tăng trưởng này dù tốt hơn mức 5% được ghi nhận trong nửa đầu năm nhưng cũng không mấy hào hứng”, báo cáo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo HSBC, dù đà hồi phục hy vọng sẽ tiếp tục trong năm 2014, nhưng năm 2014 mức tăng trưởng cũng chỉ có thể tăng trưởng nhẹ ở mức 5,4%. Sự suy giảm là một thực tế nghiêm túc cho thấy khủng hoảng nợ xấu của Việt Nam đã làm giảm ham muốn tiêu dùng và sức hấp dẫn của đầu tư.

Đức Hùng

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *