Thời sự 27/05/2021 10:15

Nhận diện làn sóng chuyển dịch để đón "đại bàng"

Chuyên gia cho rằng trong xu hướng chuyển dịch các chuỗi cung ứng, Việt Nam là một trong những tâm điểm, có cơ hội lớn. Nỗ lực vượt qua đại dịch sẽ giúp Việt Nam lấy lại độ hấp dẫn.

Vấn đề nói trên được nêu ra trong cuộc tọa đàm "Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế", tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, chiều 26/5.

Nếu chuỗi cung ứng đứt gãy…

Theo Báo cáo Triển vọng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được công bố cuối tháng 4 vừa qua, năm 2021, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,7% và đến tháng 4/2022 là 7%. Tuy nhiên, Covid-19 bùng phát trở lại đang đặt ra những thách thức lớn với Chính phủ nhiệm kỳ mới vận hành chưa tròn 100 ngày.

Nhận diện làn sóng chuyển dịch để đón đại bàng - 1

Dịch Covid-19 lây lan với tốc độ chóng mặt ở các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh (Ảnh: Tố Linh).

Bình luận về dự báo của ADB, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, dự báo của thế giới đưa ra trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại nên những con số dự báo được đưa ra, theo ông rất khó đạt được kỳ vọng, quá trình phục hồi tăng trưởng sẽ trở nên khó khăn hơn.

Theo ông Lộc, Việt Nam đã rất thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép của năm 2020. Nhưng hiện nay, bối cảnh đã khó khăn hơn. Trong khi đó, dư địa của chính sách tài khóa tiền tệ bị thu hẹp lại sau một thời gian tích lũy nguồn lực dành cho ứng phó với Covid-19. Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu thì Covid-19 bùng phát trở lại.

"Tinh thần của giai đoạn hiện nay là chủ động, tích cực nhưng phải tăng khả năng thích ứng, chống chịu và sống chung với dịch. Việc chủ động tấn công, đảm bảo hài hòa giữa tấn công và phòng vệ là chiến lược cần thiết, không thể có sự lựa chọn thích hợp hơn", ông Lộc nói.

Nêu quan điểm về tăng trưởng kinh tế, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội - nhìn nhận, nếu các địa phương đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ trong sản xuất kinh doanh thì sẽ dẫn đến toàn bộ hệ thống của chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn, có nghĩa là những chỉ tiêu kinh tế không đạt được. "Lo lắng của Thủ tướng và Chính phủ hiện nay là về vấn đề giữ nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo để không rơi vào tình trạng hỗn loạn và đình trệ toàn bộ hệ thống", ông nói. 

Nhận diện làn sóng chuyển dịch để đón đại bàng - 2

Các vị khách mời trao đổi tại cuộc tọa đàm về tình hình dịch Covid-19 và chiến lược phát triển kinh tế, chiều 26/5.

Ông Nhưỡng cho rằng, một vấn đề nữa không hề đơn giản là Việt Nam phải đặt mình trong mối tương quan với khu vực và toàn thế giới. Việt Nam không thể sống một mình, không thể tách ra khỏi phần còn lại của thế giới. Tinh thần, thông điệp, cách thức điều hành mới của Chính phủ mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nhận diện làn sóng dịch chuyển của "đại bàng"

Trong cuộc chiến chống Covid-19, Việt Nam khẳng định đã và đang làm rất tốt so với các nước trong khu vực với tỷ lệ mắc thấp nhất. Vì vậy, đón "đại bàng" về làm tổ là thành công của Việt Nam trong làn sóng đầu tư, chuyển dịch chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn trên thế giới năm 2020.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, đúng là Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế và thực sự là đang có làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Có thể trong bối cảnh cụ thể trước mắt, khi Covid-19 bùng phát trở lại, chúng ta gặp khó khăn do quá trình chuyển dịch đang chững lại, nhưng về dài hạn thì đó vẫn là xu hướng phổ biến.

Chứng minh cho nhận định của mình, ông Lộc phân tích rằng Việt Nam sự ổn định về chính trị xã hội, khả năng kiềm chế dịch bệnh, khả năng chống chịu cao của nền kinh tế, nhất là những cơ hội mở cửa thị trường rất lớn của Việt Nam thông qua việc triển khai các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA. Đó là điểm vô cùng hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nhận diện làn sóng chuyển dịch để đón đại bàng - 3

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI.

"Chúng ta tin tưởng rằng, trong xu hướng chuyển dịch các chuỗi cung ứng Việt Nam là một trong những tâm điểm, chuỗi cung ứng đó vẫn là cơ hội lớn với chúng ta. Những nỗ lực của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chiến lược phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế song hành sẽ là những định hướng, cách thức để chúng ta sớm vượt qua được đại dịch và lấy lại được sức hấp dẫn về đầu tư nước ngoài cũng như đà tăng trưởng" - ông Lộc cho biết.

Để tạo được sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề cập tới sức hút của hạ tầng, quy hoạch phải ổn định và đặc biệt là mô hình các khu công nghiệp - những điều kiện được coi là tạo nên tổ để đón "đại bàng".

Vị đại biểu này cho rằng, mô hình khu công nghiệp hiện nay ở Việt Nam đã lạc hậu so với trình độ phát triển của thế giới và khu vực. Việt Nam tham gia sâu vào các chuỗi giá trị, quy mô khu công nghiệp vài trăm ha hoặc từ 1.000 - 1.500 ha không thích ứng nữa, bởi mô hình khu công nghiệp hiện nay là một chuỗi cung ứng hoàn hảo.

"Trong khi các nước có khu công nghiệp quy mô 20.000 - 30.000 ha thì chúng ta lại nhỏ lẻ vài ba trăm ha. Tôi nhớ không nhầm thì chúng ta chưa có khu công nghiệp nào quy mô 1.000 ha. Nếu không có mô hình khu công nghiệp mới thì chúng ta khó có thể kêu gọi được làn sóng đầu tư đến Việt Nam, vì vậy phải tạo lập ra không gian hấp dẫn bằng mô hình mới trong quy hoạch các khu công nghiệp" - ông Vân cho hay.

Đã đến lúc bỏ tư tưởng "sính" ngoại?

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phản ứng với kinh tế, về thu hút đầu tư nước ngoài là vấn đề rất quan trọng, nhưng Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt vươn lên cạnh tranh với thế giới.

"Nếu chúng ta muốn hùng cường, muốn hóa rồng hóa hổ thì dứt khoát phải công nghiệp hóa được, phải có doanh nghiệp đầu đàn ở trong nước. Còn nếu chúng ta hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài thì chúng ta không thể làm chủ tương lai công nghiệp của chúng ta" - ông Dũng nói.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho biết thu hút đầu tư FDI chỉ là một mặt của chính sách hấp dẫn đầu tư. Không nên "vọng ngoại" quá mà phải chú ý nội lực, bởi nguồn lực trong nước đủ để Việt Nam có thể tự lực, tự cường. Một quốc gia không thể hùng cường bằng nguồn lực ở nước ngoài được.

Nhận diện làn sóng chuyển dịch để đón đại bàng - 4

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

"Nhiều nhà kinh tế hoạch định chính sách hay nói hoa mỹ là "lót ổ cho đại bàng". Tôi nghĩ không nhất thiết là "đại bàng" ngoại, vì "đại bàng" nội chúng ta cũng có. Nhưng phải có những yếu tố tiền đề - đó là môi trường pháp lý, nói cách khác là luật lệ, luật chơi phải hấp dẫn thì các nhà đầu tư trong và ngoài nước mới sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư" - ông Vân thẳng thắn nêu ý kiến.

Theo ông, đã đến lúc Việt Nam hoàn toàn có thể hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước. Trong nền kinh tế, Việt Nam đã có các tập đoàn hùng mạnh, có tính dẫn dắt; trong từng lĩnh vực chúng ta đã hình thành những "đại bàng" lớn. Nhưng phải bỏ tư tưởng "sính" ngoại, bỏ tư tưởng chỉ có nước ngoài mới đầu tư. Chúng ta phải tạo ra một "sân chơi" thực sự bình đẳng từ huy động vốn cho đến quy hoạch, ứng xử… thì mới hấp dẫn nhà đầu tư trong nước.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *