Thời sự 31/05/2014 07:22

Lời cảnh tỉnh cho ngân hàng

Một dạo, khi lãi suất ngân hàng "cao ngất ngưởng", rất nhiều doanh nghiệp đã than trời vì gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. "Sang sông thì phải lụy đò", biết vậy nhưng doanh nghiệp vẫn bị "làm khó", ngân hàng chậm giảm lãi suất, nhiêu khê trong thủ tục, trong khoanh nợ, giãn nợ…

Thế nhưng, cũng trong khoảng thời gian này đã xuất hiện hiện tượng dòng tiền được chuyển ngầm qua lại giữa các ngân hàng với nhau. Vụ việc được phanh phui sau một loạt vụ án liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng gần đây như vụ "bầu Kiên", vụ án Huỳnh Thị Huyền Như…


Hiện tượng ngân hàng huy động tiền rồi gửi vào ngân hàng khác để "ăn" chênh lệch đã trở thành "chuyện thường ngày"… Và dĩ nhiên ngân hàng nhận vay cũng sẽ lại phải tìm cách này, cách khác để bảo đảm có lãi. Nhiều khoản tiền vay mượn có thể được dùng để đầu tư chứng khoán, mua cổ phiếu… Dòng tiền lòng vòng qua lại, hoán đổi từ người gửi qua các ngân hàng, các công ty chứng khoán, qua việc góp vốn, mua bán sở hữu, vay mượn lẫn nhau tạo ra những giá trị không thực tới cả chục nghìn tỷ đồng.


Thực tế, mặc dù chức năng chính thức của ngân hàng là làm trung gian huy động vốn trong xã hội, từ đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp còn chưa được thực hiện hiệu quả thì các quan hệ kinh tế "nội bộ" lại rất sôi động. Tất nhiên, xét cho cùng thì quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp cũng chỉ là quan hệ khách hàng. Tức là có sự bình đẳng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Ngân hàng có quyền cho doanh nghiệp vay hoặc không tùy theo lợi ích của mình. Nhưng những vụ việc vừa qua cho thấy dường như còn có một khoảng trống khá lớn trong các định chế pháp luật ở lĩnh vực này.
 
 
Nhiều hoạt động tài chính còn thiếu sự bảo đảm, tình trạng sử dụng một phần vốn huy động từ người dân rồi chuyển đầu tư thông qua phát hành trái phiếu khá phổ biến. Chỉ riêng 2-3 công ty của "bầu Kiên" đã phát hành đến hơn 3.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Số tiền này sau đó phần lớn được sử dụng để mua cổ phần của các công ty khác nhau. Các hoạt động đến nay vẫn chưa được pháp luật quy định cụ thể. Và đây chính là kẽ hở để những kẻ cơ hội thao túng, trục lợi. Điển hình như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Hay như tình trạng ngân hàng nọ mua cổ phiếu của ngân hàng kia, tạo nên tình trạng sở hữu chéo, cùng một khoản vốn nhưng nhiều ngân hàng cùng chứng minh quyền sở hữu.


Từ năm 2012 trở lại đây, những dấu hiệu rõ nét về hoạt động kém hiệu quả của nhiều ngân hàng đã xuất hiện nợ xấu tăng nhanh. Một số ngân hàng không đủ điều kiện hoặc thiếu vốn trong kinh doanh đã thua lỗ, đòi hỏi phải được sắp xếp tái cấu trúc. Điển hình như việc Ngân hàng ACB, sau khi "bầu Kiên" bị bắt nhiều người dân tỏ ra hoang mang. Chỉ khi được Nhà nước tuyên bố bảo lãnh chi trả thì tình hình mới dần ổn định.


Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp, đưa ra các giải pháp tăng cường nền tảng tài chính, ổn định hệ thống ngân hàng, cũng như những rủi ro về sở hữu chéo. Nhưng có vẻ như cơ chế giám sát chưa hiệu quả và những khoảng trống vẫn đang cần được các cơ quan quản lý sớm khỏa lấp.
 
 
Theo Nữ Quỳnh        
Hà Nội mới         
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *