Thời sự 12/07/2014 12:14

Không hạ chuẩn vì tăng trưởng tín dụng

TS. Cấn Văn Lực trao đổi về mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế.

TS.Cấn Văn Lực.

 

Theo ông, con số TTTD 6 tháng đạt 3,52% đã phản ánh đúng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế?

So với cùng kỳ năm ngoái thì mức TTTD trên là thấp. Nhưng xét trên tổng thể nền kinh tế thì con số TTTD 3,52% phản ánh đúng tình hình sức khỏe của DN, nền kinh tế.

Vì sức cầu của nền kinh tế đang rất yếu, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng ở mức thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (10,7% so với 12%); chỉ số hàng tồn kho công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 13% so cùng kỳ 2013; số lượng DN giải thể, đóng cửa tăng khoảng 16,3%…

Cũng có những nguyên nhân khác, đó là: Các DN cũng đang thực hiện tái cơ cấu hoạt động nên tỷ lệ vốn vay NH có sự thay đổi theo hướng DN tăng khả năng sử dụng nguồn vốn tự có, tích lũy của mình.

Những bất ổn về tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã tác động đến một bộ phận DN trong tâm thế chờ đợi. Mặt khác, do quy trình xử lý nợ xấu còn chậm, chưa dứt điểm và lại có xu hướng tăng lên nên các NH thận trọng hơn khi cấp tín dụng.

Các TCTD cũng có một số gói tín dụng theo mục tiêu, chương trình tung ra, nhưng sau một thời gian khi các vướng mắc không được xử lý kịp thời đã làm tiến độ giải ngân chậm. Chính những lý do đó đã khiến dòng vốn tín dụng bị tắc nghẽn.

Với diễn biến hiện nay, liệu TTTD có đạt được mục tiêu cả năm là 12-14%?

Nếu tình hình Biển Đông không phức tạp lên, với diễn biến kinh tế hiện nay tôi cho rằng TTTD có thể đạt mức 10%. Tại sao tôi lại chỉ đưa con số 10% mà không phải 12 hay 14%. Vì quan điểm của tôi là mức 12 – 14% mà NHNN đưa ra đầu năm chỉ là định hướng chứ không phải hệ thống NH phải tăng trưởng bằng mọi giá để đạt con số trên.

Rõ ràng sau những biến cố xảy ra, các NH đều nhận thấy chất lượng tín dụng mới là quan trọng chứ không phải tăng trưởng về số lượng. Bây giờ, nếu các NH cố bung vốn ra bằng cách hạ chuẩn tín dụng vẫn có thể đạt được con số tăng trưởng định hướng. Nhưng tôi nghĩ rằng, chắc chắn các NH không làm như vậy vì có quá nhiều rủi ro tiềm ẩn đi kèm cuộc chạy đua theo mục tiêu con số đơn thuần.

Nếu TTTD không đạt mục tiêu sẽ tác động đến nền kinh tế thế nào, thưa ông?

Tất nhiên, dù độ trễ chính sách có thể 3-6 tháng nhưng việc này cũng ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta. Vì nhìn chung,

lượng vốn tín dụng vẫn là nguồn đầu tư quan trọng và chủ yếu khi các thị trường vốn khác đang gặp khó.

Ở góc độ NHTM thì rõ ràng hoạt động tín dụng vẫn đem lại nguồn thu chính của họ, vì thế nếu tín dụng tăng trưởng thấp sẽ tác động đến mức đạt chỉ tiêu lợi nhuận của các NH. Mặt khác, TTTD thấp cũng làm cho tỷ lệ nợ xấu không những không giảm mà còn có thể tăng lên. Bởi, dư nợ tín dụng thực tăng thấp trong khi tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng lên từ các khoản cho vay trước đây, nên tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ không thể giảm.

Vậy giải pháp nào để thúc đẩy TTTD an toàn, hiệu quả?

Theo tôi, đòi hỏi chính sách phải đồng bộ mới có thể giải quyết câu chuyện TTTD an toàn hiệu quả. Về phía NH, tôi nghĩ rằng, NHNN nên thống nhất và tuyên truyền quan điểm mục tiêu TTTD 12 - 14% chỉ là định hướng chứ không phải bằng mọi giá để đạt được. Và chỉ tiêu TTTD đặt ra đối với từng NH cần linh hoạt.

Đặc biệt, xử lý nợ xấu cần được thúc đẩy mạnh mẽ và nếu làm tốt không chỉ giúp tín dụng tăng mà còn gia tăng niềm tin của NĐT, DN quay trở lại vay vốn NH đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, chương trình tái cơ cấu hệ thống NH cần thực hiện quyết liệt hơn, giải quyết dứt điểm những NH yếu kém còn lại.

Như nói ở trên, để giải bài toán TTTD, sự phối hợp chính sách giữa các bộ, ban, ngành liên quan có ý nghĩa rất quan trọng. Ví dụ như Bộ Công Thương hỗ trợ DN tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường đầu ra; Chính phủ thúc tiến trình cổ phần hóa DNNN, tái cơ cấu đầu tư công nhanh hơn nữa; Cải cách mạnh mẽ thể chế kinh tế vì hiện tại nhiều quy định còn chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà…

Mặt khác, bản thân các DN cũng phải tự tái cơ cấu, nâng cao năng lực tài chính, minh bạch hơn… Có như vậy NH mới tin tưởng cấp tín dụng hoặc có thể cho khách hàng được vay tín chấp nhiều hơn, thay vì phải thế chấp tài sản đảm bảo. Qua đó, giúp DN có nguồn vốn kịp thời chớp cơ hội kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Huyền
TBNH

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *