Thời sự 06/11/2018 07:20

Dự án Hầm Hải Vân, Đèo Cả: Cần có giải pháp nhanh, cụ thể để tháo gỡ cho doanh nghiệp!

Hơn 2 tỷ tiền điện không phải là áp lực khiến doanh nghiệp phải đóng cửa hầm, tuy nhiên, Chính phủ và Bộ GTVT cần có giải pháp “nhanh” vì doanh nghiệp đã chi 1.200 tỷ đồng để vận hành 2 hầm này.

Trao đổi với báo chí, đại diện Công ty Cổ phần Đèo Cả (Cty Đèo Cả), khẳng định: Không có chuyện đóng hầm Hải Vân chỉ vì nợ tiền điện quá hạn hơn 2 tỷ đồng. Và vấn đề này đơn vị sẽ giải quyết trong một vài ngày tới với Điện lực Đà Nẵng. Tuy nhiên, để duy trì vận hành thông suốt 2 hầm nêu trên và không tạo áp lực cho doanh nghiệp, Chính phủ và Bộ GTVT cần có giải pháp nhanh, cụ thể để tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vì chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để vận hành 2 hầm này là khá lớn.

Tính tới thời điểm hiện tại, chi phí để vận hành 2 hầm này đã lên tới 1.200 tỷ đồng. Trong khi doanh nghiệp lại không có nguồn thu nào để để bù đắp cho việc vận hành 2 hầm nêu trên là điều hết sức bất cập.

Hầm Hải Vân đang rơi vào tình trạng không có nguồn thu để vận hành.

Cũng theo đại diện Cty Đèo Cả, trước những vấn đề tồn tại nêu trên, doanh nghiệp đã phải tổ chức họp bàn về các vấn đề vướng mắc liên quan đến công tác vận hành hầm Đèo Cả, Hải Vân trên tuyến QL1. Song song đó, Cty Đèo Cả cũng đã làm việc với Bộ GTVT và đề nghị điều chỉnh Thông tư 35/2016/TT-BGTVT, ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT (quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý), để phù hợp hơn với thực tế. Và vấn đề này đã được lãnh đạo Bộ GTVT chấp thuận đang xử lý để báo cáo Thủ tướng – đại diện Cty Đèo Cả cho biết.

Đại diện Cty Đèo Cả cho biết thêm, hiện tại doanh nghiệp đang phải triển khai đồng bộ song song thực hiện 2 hầm Hải Vân và Hầm Cù Mông để hoàn thành đúng tiến độ đưa vào vận hành khai thác. Do đó, áp lực về tài chính, nguồn lực của doanh nghiệp trong lúc này là rất lớn. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục duy trì, vận hành thông suốt hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả, trong khi không có nguồn thu để phục vụ cho vấn đề này  lại càng thêm khó khăn hơn – đại diện Cty Đèo Cả nói.

Như DĐDN đã thông tin trước đó, liên quan tới việc nếu doanh nghiệp không có nguồn kinh phí đề vận hành 2 hầm Đèo Cả và hầm Hải Vân, có thể sẽ dẫn tới việc gián đoạn vận hành 2 hầm này. Và doanh nghiệp sẽ phải căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa các bên để đưa vụ việc ra Tòa án nếu không được tháo gỡ.

Lên tiếng về sự việc nêu trên, đại diện Bộ GTVT, cho biết: Hiện tại Bộ GTVT đang phối hợp với các bộ ngành chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phương án tài chính của dự án hầm Hải Vân, thu phí hoàn vốn dự án Đèo Cả; Đồng thời, báo cáo Thủ tướng để xử lý những vướng mắc phát sinh theo trình tự quy định.

Cty Đèo Cả phải chủ động, linh hoạt các cơ chế nguồn lực để xử lý

Bộ GTVT cho rằng, Cty Đèo Cả phải chủ động, linh hoạt các cơ chế nguồn lực để đảm bảo vận hành thông suốt hầm Đèo Cả và Hầm Hải Vân.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cho rằng, với vai trò là chủ đầu tư, phía Cty Đèo Cả phải chủ động, linh hoạt các cơ chế nguồn lực để xử lý. Điển hình, vấn đề nợ đọng tiền điện hầm Hải Vân, bản chất thuộc hợp đồng kinh tế giữa đơn vị vận hành và ngành điện. Do đó, chủ đầu tư phải có trách nhiệm đảm bảo sự vận hành thông suốt, các điều khoản hợp đồng giữa các bên. "Trong hợp đồng nguyên tắc với Bộ GTVT về dự án này, chỉ thống nhất tài chính tổng thể, không có điều khoản nào quy định về việc chi trả tiền điện giữa dự án và ngành điện" – đại diện Bộ GTVT cho biết.

Nguyễn Hùng

Theo Enternews

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *