Đầu tư 06/06/2014 07:24

Vốn ngân hàng đóng góp 80% nguồn lực dự án giao thông

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hầu hết các lĩnh vực đều khó về vốn, ngành Giao thông lại huy động được nguồn lực xã hội cao nhất từ trước đến nay.

Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về chính sách tài chính, tiền tệ thời gian qua?

Chính sách tiền tệ ba năm qua đã góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Để đạt được cả ba mục tiêu nói trên, có thể nói chính sách dài hạn đã đi đúng hướng, và các giải pháp tình thế trong từng năm đã có sự chủ động, linh hoạt, đặc biệt có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Chẳng hạn, khi thu Ngân sách Nhà nước gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng đã kịp thời “bơm” vốn cho nền kinh tế; Hoặc có những thời điểm tín dụng ngân hàng nghẽn đầu ra thì chúng ta đã nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công… Nhờ vậy, đã giúp dòng vốn được luân chuyển tương đối nhịp nhàng, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn, duy trì sản xuất, lạm phát cũng được kiểm soát. 

Quan sát thị trường tài chính, tiền tệ từ đầu năm 2014 đến nay, có thể thấy, ngoài duy trì thực hiện các mục tiêu nói trên, Ngân hàng Nhà nước đã bảo đảm được thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) và nền kinh tế; Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu nhằm nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của các TCTD; Từng bước tháo gỡ tín dụng đầu ra, góp phần đưa vốn đến các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực giao thông.
 
Trong điều kiện siết chặt đầu tư công, tín dụng “bơm” ra dè dặt, ngành Giao thông làm thế nào để tiếp tục huy động các nguồn lực đảm bảo vốn cho nhiều công trình giao thông trọng điểm, thưa Bộ trưởng?
 
Hiện nay, Bộ GTVT tải đang quản lý 53 dự án BOT, BT, PPP với tổng mức đầu tư khoảng 132.152 tỷ đồng, trong đó, vốn từ ngân sách chỉ 5.854 tỷ đồng, vốn vay lên tới 100.221 tỷ đồng, giá trị thực hiện đạt hơn 23.000 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 21.000 tỷ đồng. 

Chúng ta đã bước sang năm thứ ba thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế với ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính. Cộng với khó khăn chung của nền kinh tế, hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp đều khó khăn về vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ngành Giao thông lại huy động được nguồn lực xã hội cao nhất từ trước đến nay, trong đó nguồn lực của doanh nghiệp đóng góp khoảng 20%, còn lại 80% là từ hệ thống ngân hàng.

Kết quả này cho thấy, các ngân hàng dù rất dè dặt tăng trưởng tín dụng, song các doanh nghiệp ngành Giao thông lại dễ dàng tiếp cận vốn, bởi các dự án giao thông đều chứng minh được tính hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ. Trong đó, hiệu quả quan trọng nhất được ghi nhận là các dự án này hoàn thành, sẽ thúc đẩy sự phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội. 
 
Mặt khác, các dự án giao thông cũng góp phần giúp các ngân hàng giảm “tồn kho” vốn, tháo gỡ tín dụng đầu ra?

Tính đến cuối tháng 5/2014, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng mới đạt 1,31%. Điều đó cho thấy, ngành ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn với việc mở rộng tín dụng trong điều kiện hiện nay của nền kinh tế, bởi bản thân ngân hàng phải thận trọng khi cho vay nhằm kiểm soát nợ xấu; Mặt khác khả năng hấp thụ vốn của cộng đồng doanh nghiệp cũng giảm mạnh vì sức cầu của nền kinh tế còn yếu. Do vậy, việc mở rộng cho vay lĩnh vực giao thông cũng giúp cho chính hệ thống ngân hàng tiêu thụ được một khối lượng vốn không nhỏ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. 
 
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cung cấp tín dụng cho dự án mở rộng QL 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy 2 - tuyến tránh TP Hà Tĩnh
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cung cấp tín dụng cho dự án mở rộng QL 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy 2 - tuyến tránh TP Hà Tĩnh

Thưa Bộ trưởng, để nguồn lực tài chính phát huy cao nhất hiệu quả trong phát triển giao thông, quá trình phối hợp có điều gì cần điều chỉnh? 

Tôi cho rằng, chính sách tiền tệ cần có sự điều tiết nhịp nhàng để dòng tiền được ổn định trong cả năm, tránh tình trạng “no dồn đói góp”. Quan sát trên thị trường tài chính, tiền tệ có thể thấy, thường đầu năm vốn “bơm” ra rất nhỏ giọt, thậm chí mấy năm gần đây tín dụng liên tục tăng trưởng “âm”, để rồi dồn dập giải ngân vào cuối năm. Khi ấy, doanh nghiệp, nền kinh tế khó hấp thụ, mặt khác có thể gây áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Để làm được điều đó, chính sách tiền tệ cần có định hướng rõ ràng, quá trình thực hiện phải rất chủ động, linh hoạt; Mặt khác, cần có sự phối hợp rất chặt chẽ với chính sách tài khóa. Chẳng hạn, khi vốn ngân sách bơm ra, van tín dụng phải điều chỉnh nhỏ lại, hoặc khi thu, chi ngân sách gặp khó khăn, ngân hàng phải đẩy mạnh tín dụng. 
 
Cảm ơn Bộ trưởng! 
 
Theo Xuân Thu
GTVT
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *