Đầu tư 15/08/2014 08:56

Vì sao miền Trung có thế mạnh vẫn nghèo?

FICA - Đó là câu hỏi mà PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra trong bài tham luận phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung khai mạc sáng nay (15/8/2014).

TS Trần Đình Thiên mở đầu tham luận với nhận định: những khác biệt cộng với vị trí địa lý "khúc ruột miền Trung" ở giữa đật nước đã làm cho Duyên hải miền Trung đóng một vai trò - chức năng phát triển đặc thù.

"Chừng nào miền Trung, với vị trí và chiều dài tạo thành “xương sống quốc gia” hay “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”, chưa “cất cánh” thì cả nước, với hai động lực phát triển hai đầu - Bắc Bộ và Nam Bộ, dù có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là “đầu tàu” mạnh, cũng chưa thể bay lên thật sự" - ông Thiên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, với tất cả sự khác biệt và đặc sắc của mình, miền Trung lại không thể phát triển theo cách của miền Nam và miền Bắc, cho dù đó là những cách mang lại thành công. Miền Trung không thể phát triển công nghiệp và nông nghiệp giống như ở Bắc Bộ và Nam Bộ. Miền Trung cũng không thể phát triển du lịch và đô thị giống như ở Bắc Bộ và Nam Bộ. Với phân bố địa lý và kiểu dáng đặc biệt của mình, miền Trung cũng không thể liên kết nội vùng, liên kết liên vùng, liên kết với thế giới giống như liên kết của hai vùng Bắc Bộ và Nam Bộ.

Vậy, miền Trung phát triển cái gì, như thế nào, với ai - để có thể bứt phá phát triển, để có thể, thậm chí, mở đường cất cánh cho cả nước?

Với bờ biển dài, bãi biển đẹp, các di sản văn hóa thế giới của miền Trung ken dày với Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Tháp Mỹ Sơn, Bảo tàng văn hóa Chăm, đất võ Tây Sơn, Lễ hội Văn hóa Chăm Ninh Thuận... - đó là những thế mạnh "tự nhiên, vốn có" của miền Trung. "Nhưng suốt cả một thời kỳ lịch sử hàng năm, miền Trung vẫn nghèo, vẫn không thể giàu với những tiềm năng to lớn đó".

Theo phân tích của TS Trần Đình Thiên, sự khác biệt và tiềm năng đẳng cấp của miền Trung là thứ dành cho cả loài người và chỉ trong thời đại công nghệ cao. Miền Trung có bờ biển vàng nhưng miền Trung chỉ giàu khi miền Trung là “của loài người, khi có loài người, và khi cùng với loài người”. Và điều đó chỉ có thể xẩy ra trong thời đại mở cửa, hội nhập và công nghệ cao. 

Vì vậy, đến lúc này, thế mạnh tiềm năng của miền Trung mới được nhận diện theo đúng nghĩa, nhưng lại theo cách rất “tự nhiên”, “đương nhiên”, vì chúng là đã là “vốn có”.  Vấn đề còn lại chỉ là biết hành động “thuận theo lẽ tự nhiên” và phù hợp với lợi ích mà thế giới mong có được ở miền Trung.

Trong tư duy phát triển miền Trung hiện tại, cùng với lựa chọn du lịch làm trục phát triển chính là phát triển công nghiệp địa phương. Điển hình là Quảng Nam với Khu Kinh tế mở Chu Lai, Quảng Ngãi với Khu Kinh tế Dung Quất, Bình Định với Khu Kinh tế Nhơn Hội và Đà Nẵng với định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao. 

Gần 40 khu công nghiệp và được tổ chức theo kiểu “bách hóa tổng hợp” (không theo kiểu “chuỗi – industrial cluster” hay khu công nghiệp chuyên sâu), với đẳng cấp công nghệ nhìn chung là rất thấp, theo ông Thiên.

Ông Thiên cũng đánh giá, về nguyên tắc, sự lựa chọn phát triển dựa trên lợi thế so sánh cảng biển lớn là đúng đắn và phát triển đô thị - biển đẳng cấp cao là một xu thế phát triển dựa trên lợi thế chiến lược tuyệt đối của các tỉnh Duyên hải miền Trung. 

Tuy nhiên, định hướng này chỉ thành công với hai điều kiện. Một là lãnh đạo các tỉnh phải vượt qua được áp lực và lợi ích cục bộ ngắn hạn (thu ngân sách và tạo việc làm chất lượng thấp). Hai là phải có những chế tài cấp Vùng đủ mạnh và đủ hiệu lực để bảo đảm sự tuân thủ lợi ích chiến lược của Vùng. Điều kiện thứ hai chỉ có được với sự can thiệp của Trung ương theo cách đặt ra chế tài Vùng hoặc thiết lập thể chế điều hành cấp Vùng đủ quyền lực và dựa trên các khuyến khích lợi ích thực tiễn phù hợp.

Cả hai điểm này, theo TS Trần Đình Thiên, ít hay nhiều, so với trạng thái thực tế hiện nay, đều là thách thức hiện thực và không dễ vượt qua đặt ra cho nỗ lực liên kết phát triển Vùng Duyên hải miền Trung.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *