Đầu tư 08/09/2014 06:34

Ngành bán lẻ Việt Nam: Sẽ xuất hiện nhiều thương vụ M&A

Chắc chắn là thị trường sẽ còn diễn ra rất nhiều thương vụ. Đặc biệt là thương vụ ở những đơn vị có kênh phân phối lớn.

DĐDN đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Lê Ngọc Hoàn - Chuyên gia Tài chính – Đầu tư.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia Tài chính – Đầu tư, kinh doanh tại thị trường bán lẻ Việt Nam những năm qua, cho dù khó khăn tới đâu các doanh nghiệp vẫn đạt tỷ suất sinh lời rất cao. Nhiều doanh nghiệp đạt tỷ suất sinh lời 30-35%/ năm. Và đó chính là nguyên do khiến cuộc đua trên thị trường bán lẻ dậy sóng…

- Như nhận định của ông, thì chiến lược của Metro tới đây gần như là 100% sẽ được chuyển hướng theo con đường bán lẻ?

Chưa hẳn như vậy. Cần lưu ý là Metro mấy năm nay thua lỗ do bán buôn, nhưng nhà đầu tư Metro đã gỡ gạc được một khoản tiền lớn. Và nhà đầu tư Thái hẳn cũng không dại gì vung tiền qua cửa sổ cả hàng trăm triệu USD để sở hữu một doanh nghiệp lỗ.

Vị này tin rằng đã có hướng đi riêng, với lợi thế của đồng vốn vay trên thị trường quốc tế (USD) khá rẻ (khoảng 6-7%/ năm) và có thể vừa mua được doanh nghiệp, vừa sử dụng thiết lập một hệ thống phân phối từ gốc đến ngọn để đạt siêu lợi nhuận. Bán buôn hay bán lẻ theo đó chẳng qua chỉ là hình thức kinh doanh đăng kí trên giấy. Họ có hàng trăm cách để biến bán buôn thành bán lẻ và ngược lại.

- Nói như vậy, các doanh nghiệp nội địa sẽ phải “bó tay” chịu thua ngay trên sân nhà của mình?

Liên kết các DN nội trong lĩnh vực sản xuất với các DN phân phối bán lẻ lúc này là một phương án tốt để tạo sự “bình ổn” cho thị trường.

Cùng ở lĩnh vực kinh doanh siêu thị, thời gian qua doanh nghiệp nội gặp nhiều khó khăn. Năm 2011 lãi suất quá cao khiến họ không dám đầu tư mở rộng điểm bán. Năm 2012-2013 thì kinh tế bất ổn khiến họ cũng khó dám bung ra thị trường. Vì vậy mà mất thời cơ.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp không nhìn ra cơ hội. Bản thân nhiều doanh nghiệp bán lẻ của ta cũng có tỷ suất sinh lợi trên dưới 20-35%/ năm. Khó nhất có lẽ vẫn là các cửa hàng tạp hóa của các hộ gia đình, mô hình ngày càng bị tiêu trừ bởi các cửa hàng tiện lợi và siêu thị lớn, nhỏ. Người tiêu dùng Việt Nam ngày nay cũng đã quan tâm rất nhiều đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ nào đi theo hướng cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng thực phẩm, kết hợp kênh phân phối siêu thị, đều đã dễ đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

- Ông có cho rằng làn sóng M&A doanh nghiệp bán lẻ vì sự hấp dẫn của thị trường và ngành hàng này, sẽ còn tiếp tục?

Chắc chắn là thị trường sẽ còn diễn ra rất nhiều thương vụ. Đặc biệt là thương vụ ở những đơn vị có kênh phân phối lớn. Ở nước ngoài, thông thường các DN bán lẻ ít đi qua trung gian phân phối, nhiều lắm chỉ qua 1-2 cấp và họ thường mua tận gốc. Do đó làn sóng cũng sẽ diễn ra ở cả những DN sản xuất tốt, để tạo điều kiện cho nhà phân phối bán lẻ mua tận gốc tốt hơn. Nhìn ở một khía cạnh nào đó là tích cực.

Nhìn ở khía cạnh khác thì các DN bán lẻ của ta rõ ràng chưa chuẩn bị tốt. Nếu không cẩn thận sẽ dễ bị các nhà đầu tư ngoại đứng trên “ngọn sóng” này nhấn chìm. Liên kết các DN nội trong lĩnh vực sản xuất với các DN phân phối bán lẻ lúc này là một phương án tốt để tạo sự “bình ổn” cho thị trường, doanh nghiệp vừa đạt lợi nhuận mà người tiêu dùng cũng được lợi. Doanh nghiệp đặc biệt có thể tránh được các mũi “tấn công” từ các doanh nghiệp ngoại. Tất nhiên, trừ những doanh nghiệp nào muốn làm ra doanh nghiệp để bán.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Mỹ Lê

Diễn đàn doanh nghiệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *