Đầu tư 20/06/2014 16:06

Hơn 100 Tập đoàn đa quốc gia đã có mặt tại Việt Nam

FICA - Tính đến tháng 4/2014, tại Việt Nam đã có 16.300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư khoảng 238 tỷ USD.

Theo thông tin được Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại Diễn đàn "Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi và Cơ hội nào cho Việt Nam" diễn ra ngày 19/6, tính đến tháng 4/2014, tại Việt Nam đã có 16.300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư khoảng 238 tỷ USD. Trong đó, có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia đã có mặt tại Việt Nam.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện có trên 17.000 tài khoản được mở bởi các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài. Nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đầu tư vào TTCK Việt Nam và không ngừng gia tăng đầu tư vào doanh nghiệp.

Ông Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã và đang hành động mạnh mẽ nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư quốc tế và cam kết sẽ làm hết mình để các nhà đầu tư tiếp cận với những cơ hội đầu tư có hiệu quả tại Việt Nam, vì lợi ích chính đáng của Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp.

Việt Nam cũng đang tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, không chỉ là thành viên có trách nhiệm của ASEAN, ASEM, APEC, WTO, Việt Nam đang tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và dự kiến đến năm 2015 sẽ ký kết được 16 Hiệp định thương mại tự do với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại diễn đàn, đánh giá về cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, TS. Marc Faber, người đã có 44 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, cho biết, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường mới nổi phát triển nhất trong vòng 10 năm tới, là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư, với điều kiện Chính phủ Việt Nam phải giảm bớt sự can thiệp hành chính đối với nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cũng phải đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tạo hàng hóa đa dạng cho thị trường.

TS. Marc Faber nhận định, khi tăng trưởng kinh tế giảm xuống dẫn đến tăng trưởng tín dụng cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, nếu khi tín dụng tăng nhanh sẽ tạo ra bong bóng cho thị trường, nhất là với bất động sản. Ông lý giải, các doanh nghiệp trước đây vay nợ nhiều sẽ khó có thể thanh toán được khi bong bóng xảy ra và nợ xấu tăng. Vì thế, một khi tín dụng tăng trưởng nhanh, cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ, nếu không sẽ để lại kết quả xấu trong tương lai. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ luôn phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, cả với lãi suất.

Về phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2020, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường hiện vẫn chủ yếu là phát triển theo chiều rộng, có kết hợp một số lĩnh vực phát triển theo chiều sâu.

Trong thời gian tới, bốn trụ cột cho phát triển TTCK Việt Nam gồm: tăng cường hàng hóa và cải thiện chất lượng nguồn cung; đa dạng hóa các loại hình đầu tư, nâng cao tỷ trọng đầu tư có tổ chức; hoàn thiện hệ thống các tổ chức trung gian; tái cấu trúc lại hệ thống thị trường theo hướng bền vững, hiệu quả và phù hợp thông lệ quốc tế.

Theo ông Vũ Bằng, một trong những giải pháp chính để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam là xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư dài hạn. Theo đó, cần khuyến khích các tổ chức đầu tư nước ngoài đầu tư dài hạn vào Việt Nam phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thông qua chính sách tài chính ưu đãi (thuế và phí) và đơn giản hóa thủ tục đăng ký đầu tư; tăng cường quản lý, giám sát, tăng cường tính công khai, minh bạch chế độ báo cáo, thống kê các hoạt động lưu chuyển vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *